“Các em chẳng có gì đặc biệt” là phát biểu gây sốc của thầy giáo người Mỹ David McCullough trong lễ tốt nghiệp của học sinh trung học ở một trường học ở Boston, Mỹ.

Thực sự như vậy, việc tốt nghiệp trung học hay đại học ngày nay không có gì đặc biệt với một con người. Sau khi đi làm 10 năm, chẳng ai còn quan tâm một người tốt nghiệp đại học nào hay có bằng cấp gì, mà chỉ nhìn vào những gì người đó đạt được. Nếu đã đi làm rồi mà vẫn cần phải gắn mình với danh hiệu của một trường đại học nào đó, có thể hiểu được là thương hiệu cá nhân của một người thấp hơn thương hiệu của trường học mà người đó từng học. Ngoại lệ duy nhất về bằng cấp có lẽ là dành cho những người làm công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, ngay cả trong giới nghiên cứu thì một tiến sỹ tốt nghiệp xuất sắc từ một trường đại học hàng đầu mà không có công trình nghiên cứu khoa học thì cũng bị coi là tiến sỹ giấy.

Phong trào sống nhiều hơn, làm nhiều hơn thay vì học nhiều hơn, kiếm nhiều bằng cấp hơn đang hình thành trong cộng đồng trẻ.

Trong khi thế hệ cha mẹ của các em ít nhiều bị ám ảnh bởi hư vinh của bằng cấp mang lại, đặc biệt là tấm bằng đại học, thì với học sinh Việt Nam, việc học đại học phương Tây, việc du học ngày nay chỉ đơn giản là một phương án, chứ không có gì là đặc biệt. Là du học sinh trở về hoặc không trở về, điều đó cũng không làm cho các em trở nên đặc biệt trong thế hệ của mình. Ở đâu thì các em vẫn phải không ngừng học hỏi, làm việc chăm chỉ, cống hiến cho cộng đồng mình sinh sống và hành xử như một công dân toàn cầu. Bằng cấp không giúp ích nhiều cho các em trên thực tế.

Việt Nam có gần 200.000 du học sinh ở nước ngoài mỗi năm. Do vậy, đi du học không còn là điều gì đặc biệt mang lại lợi thế cho thế hệ trẻ ngày nay nữa. Việc học kinh tế ở các trường top của thế giới không có ý nghĩa gì nhiều nếu thực sự các em không phải là người giỏi. Thực tế cuộc sống sẽ chỉ ra học giỏi (vốn là thế mạnh của học sinh Việt Nam) khác với làm giỏi (vốn chưa phải là thế mạnh). Khi đặt mục tiêu “làm giỏi” thì học sinh sẽ hướng tới những việc thiết thực như khởi nghiệp, xây dựng mạng lưới hỗ trợ, thành tích sáng tạo, phát triển cộng đồng…

Tôi cho rằng đi du học mang lại lợi ích to lớn về nhận thức, giúp mở rộng tầm nhìn của một bạn trẻ, nhất là trong bối cảnh một xã hội mà người lớn chỉ thích đầu cơ đất đai cho nhanh giàu, trẻ em chỉ muốn làm You Tuber và vào show biz cho nhanh nổi tiếng. Nhưng du học không còn đảm bảo sự thành công cho bất cứ ai, cho dù là bước ra từ những ngôi trường lớn.

Đi du học để lấy được tấm bằng của một đại học phương Tây cũng là một phong trào nối dài từ tâm lý chuộng bằng cấp của các xã hội phương Đông/châu Á. Tâm lý sính bằng cấp ở VN thì thôi rồi, chúng ta đều thấy là nhiều người chẳng làm công việc nghiên cứu hay giảng dạy cũng bị áp lực phải trở thành tiến sỹ, hoặc là khi gọi danh xưng, người ta phải gọi là thạc sỹ ABC, trong khi các cộng đồng khác chẳng mấy ai gọi thạc sỹ kèm với tên cả.

Con tôi sắp bước vào 4 năm cuối trung học. Câu hỏi đặt ra cho tôi là: du học có phải lựa chọn duy nhất? Du học Mỹ có phải là ưu thế? Trường đại học nào là danh giá?

Những câu hỏi đó sang tới năm 2021 có vẻ chẳng còn gì là quan trọng. Những câu hỏi quan trọng hơn là: Con muốn làm cái gì? Con có thể làm cái gì được? Học cái gì, học ở đâu thì có thể giúp con có kiến thức, kỹ năng, niềm đam mê, mạng lưới mối quan hệ để làm được những thứ con mơ ước. Chắc chắn ước mơ phải là làm một cái gì đó phù hợp với bản thân, thay vì ước mơ chung chung là đi ra nước ngoài, học một đại học nước ngoài và đi vào vết xe cũ của đại học và bằng cấp phương Tây. Những ước mơ như có thể giao tiếp tiếng Anh, “dám” tự tin nói chuyện với người nước ngoài, “có thể” sống một mình với người xa lạ… là những ước mơ xưa cũ của thế hệ cha mẹ các em, còn với thế hệ của các em điều đó là điều kiện tối thiểu để tồn tại.

Phong trào không du học là một dòng chảy khác mà tôi đã nhìn thấy đang hình thành. Các bạn trẻ giờ đây thay thế nỗi bận tâm du học bằng những lựa chọn khác như: trải nghiệm cuộc sống, đi du lịch khám phá bản thân và thế giới, học online mọi lúc mọi nơi, kết bạn toàn cầu, nung nấu chuyện khởi nghiệp và sống hạnh phúc…

FB – Harry Bùi Khánh Nguyên

Tải app The Ant Work để ứng tuyển ngay hoặc xem các tin tuyển dụng lân cận. Tìm kiếm và lựa chọn công việc phù hợp gần nhà ngay trên thiết bị di động của mình.

TẢI NGAY

Bình luận