“Đây là một bài rất dài về một chủ đề tôi luôn muốn viết, đó là nghề nghiệp. Này những bạn độc giả! Hãy ghi chú nhanh trước khi chúng ta bắt đầu:”

Đây là một bài rất dài về một chủ đề tôi luôn muốn viết, đó là nghề nghiệp. Những người xung quanh luôn giáo điều chúng ta rất nhiều về sự nghiệp – điều này thật kỳ lạ bởi vì tôi khá chắc chắn họ chả biết gì về chủ đề này cả. Khi nói đến nghề nghiệp, mọi người luôn cố đóng vai một bậc tiền bối tuyệt vời của bạn, người cố gắng giúp bạn bằng cách huyên thuyên khuyên nhủ đủ điều, bạn tự nhủ hãy bỏ ngoài tai tất cả vì bạn cho rằng người đó chả biết gì hết, tất cả những gì người đó nói đã lỗi thời rồi. Với bạn, thái độ am hiểu sự đời của các bậc tiền bối thực ra chỉ là ra vẻ thôi. Mặc dù đã nghĩ trong bụng vậy, thế nhưng thay vì làm lơ, bạn lại chú ý đến mọi điều được nghe, và sau đó lại đưa ra quyết định nghề nghiệp của mình phần lớn dựa trên những gì người đó đã nói. Thật là đáng buồn vì hầu hết chúng ta đều giống thế.

Ở bài này, tôi sẽ không đưa ra bất kỳ lời khuyên nghề nghiệp nào cho bạn. Nó chỉ giúp vẽ ra khuôn khổ để bạn dựa vào đó và đưa ra quyết định thực sự phù hợp, giúp phản ánh bạn là ai, bạn muốn gì và thị trường nghề nghiệp ngày nay thay đổi nhanh chóng như thế nào. Bạn không phải là chuyên gia, nhưng bạn chắc chắn có đủ điều kiện hơn các bậc tiên bối kia để tìm ra điều gì là tốt nhất cho bản thân. Đối với những người chưa bắt đầu sự nghiệp, hoặc những người chưa biết họ muốn làm gì, hoặc những người đã có sự nghiệp nhưng không biết liệu mình có đang đi đúng hướng không, tôi hy vọng bài này có thể giúp mọi người suy nghĩ một cách rõ ràng hơn.

Cuộc sống của bạn cho đến hiện tại

Đối với hầu hết chúng ta, thời thơ ấu giống như một dòng chảy, và chúng ta giống như những con nòng nọc trong dòng chảy đó.

river 2

Chúng ta không được chọn dòng chảy. Chúng ta vừa tỉnh dậy thì đã thấy mình đang đứng trên một con đường nào đó được chọn sẵn bởi bố mẹ, xã hội và hoàn cảnh. Chúng ta được nghe về các quy tắc của dòng chảy, cách bơi cũng như đích đến khi bơi là ở đâu. Công việc của chúng ta không phải là suy nghĩ về con đường của bản thân — mà là phải thành công trên con đường bị áp đặt.

Đối với nhiều người trong chúng ta, dòng chảy thơ ấu đều sẽ đưa ta vào một cái ao, được gọi là đại học. Theo hình thức, chúng ta có thể chọn cái ao mình muốn, nhưng cuối cùng, hầu hết các ao đại học không khác nhau là mấy.

pond 1

Trong ao, chúng ta có nhiều không gian để thở và vài người mất nhiều thời gian để tìm kiếm những sở thích cụ thể hơn. Chúng ta bắt đầu suy nghĩ, nhìn ra bờ biển – nơi thế giới thực bắt đầu và nơi chúng ta sẽ sống cả đời còn lại. Điều này thường mang đến một số cảm xúc lẫn lộn.

Looking at shore 2

Và sau đó, 22 năm sau khi trưởng thành từ một dòng chảy, chúng ta bị đuổi ra khỏi ao và được bảo rằng phải bắt đầu làm một điều gì đó cho cuộc sống của mình.

Có một vài vấn đề bắt đầu xuất hiện ở đây. Tại thời điểm đó, bạn chưa có kỹ năng, kiến thức và nhiều yếu tố khác nữa:

Nhưng trước khi bạn kịp nhận ra sự vô dụng của mình, thậm chí còn một vấn đề lớn hơn: con đường được vẽ sẵn của bạn đã kết thúc. Trẻ em ở trường giống như nhân viên của một công ty mà một người lớn là CEO. Nhưng không ai là CEO cho cuộc sống trong thế giới thực hay con đường sự nghiệp của bạn – trừ bản thân bạn. Bạn đã dành toàn bộ cuộc sống của mình để trở thành một sinh viên xuất sắc, nhưng cuối cùng lại không có kinh nghiệm làm CEO cho cuộc đời mình. Cho đến bây giờ, bạn vốn chỉ chịu trách nhiệm về các quyết định nhỏ: “Làm thế nào để một sinh viên như tôi thành công?” rồi đột nhiên bạn phải nắm giữ chìa khóa của một buồng lái vĩ đại hơn, được giao nhiệm vụ trả lời các câu hỏi đầy căng thẳng như “Tôi là ai?” và “Những điều quan trọng trong cuộc sống là gì?” và “Lựa chọn của tôi cho cuộc đời mình là gì, tôi nên chọn con đường nào và làm cách nào để tạo ra con đường đó?”. Khi rời khỏi trường đại học, những chỉ dẫn rõ ràng mà chúng ta đã quá quen bỗng đột ngột biến mất, để chúng ta đứng như trời trồng ở ngã ba đường mà không biết phải làm gì.

Và thế là ta lại đứng trên một con đường mới. Con đường đó trở thành câu chuyện của cuộc đời ta. Vào cuối đời, khi nhìn lại cách mọi thứ diễn ra, ta có thể thấy toàn bộ con đường của cuộc đời mình, từ một góc nhìn toàn cảnh hơn. Khi các nhà khoa học nghiên cứu về những người sắp chết nằm trên giường, họ thấy rằng nhiều người trong số những người sắp chết thường hối tiếc một vài điều quan trọng. Tôi nghĩ những hối tiếc ấy xuất phát từ thực tế rằng hầu hết chúng ta không được dạy cách tự tạo con đường cho bản thân khi còn nhỏ, và kể cả khi lớn lên chúng ta cũng không khá hơn mấy. Điều đó khiến rất nhiều người cảm thấy cuộc đời mình thật vô nghĩa.

Đây là bài viết về cách tạo nên con đường cuộc đời. Chúng ta hãy tạm dừng 30 phút trước khi chết để nhìn xuống con đường chúng ta đang đi, và nhìn trước xem con đường đó sẽ đi đến đâu, và phải đảm bảo rằng con đường đó có ý nghĩa với bản thân mỗi người.
Cùng xét lại khái niệm Bếp trưởng & Đầu bếp

Trong quá khứ, tôi đã viết về sự khác biệt quan trọng giữa “lý luận từ nguyên tắc đầu tiên” và “lý luận bằng sự tương tự” hay khác biệt giữa “bếp trưởng” và “đầu bếp”. Từ khi tôi viết bài này, tôi nhận ra sự khác biệt này ở mọi nơi, và tôi đã nghĩ về nó khoảng 2 triệu lần trong cuộc đời mình.

Ý tưởng lý luận từ nguyên tắc đầu tiên cũng giống như lý luận theo kiểu một nhà khoa học. Bạn lấy các dữ kiện cốt lõi, quan sát và sử dụng chúng để đưa ra kết luận, giống như một người bếp trưởng chơi đùa với nguyên liệu và cố gắng biến chúng thành một món ngon lành từ đó viết ra một công thức nấu ăn mới. Hình thức còn lại – lý luận bằng sự tương tự – diễn ra khi bạn nhìn vào cách mọi thứ đã được thực hiện và sao chép nó, với một chút điều chỉnh tùy hứng cá nhân và việc đó giống như một đầu bếp xào nấu theo công thức đã được viết sẵn.

Một đầu bếp chỉ nấu theo công thức thuần túy và một bếp trưởng tự đưa ra những công thức riêng cho mình là hai đầu đối lập của một quang phổ. Trong bất kì thời điểm nào trong cuộc sống liên quan đến lập luận và ra quyết định, quy trình lý luận của bạn thường có thể được “xào nấu” như một đầu bếp hoặc bếp trưởng. Sáng tạo hoặc sao chép. Tạo ra sự độc đáo hoặc có sự điều chỉnh phù hợp dựa trên những thứ đã có.

Trở thành một bếp trưởng mất rất nhiều thời gian và nỗ lực. Điều này dễ hiểu thôi, vì việc của bạn không phải là cố gắng tái tạo lại một cái bánh xe theo bản vẽ, mà trở thành người đầu tiên tạo ra nó. Cách bạn tìm ra được kết luận cũng giống như cố gắng lần mò trong một khu rừng mịt mùng, mắt thì bịt kín và có thể gặp vô số thất bại mỗi lần làm thử và làm sai. Là một đầu bếp thì dễ dàng hơn và đơn giản hơn. Trong hầu hết các trường hợp, việc trở thành một bếp trưởng là sự lãng phí thời gian khủng khiếp, đi kèm với chi phí cơ hội cao vì thời gian là vô cùng khan hiếm. Ngay bây giờ, tôi đang mặc quần jean J. Crew, áo phông trơn, áo hoodie và giày Allbirds, bởi vì tôi đang cố gắng thích nghi. Trong suốt đời mình, tôi đã nhìn vào những người có vẻ giống tôi và tôi đã mua một đống quần áo trông giống như những gì họ mặc. Và điều này hợp lý – bởi vì quần áo không quan trọng đối với tôi, và chúng không phải là cách tôi chọn để thể hiện cá tính của mình. Với cá nhân tôi, thời trang là một phần hoàn hảo của cuộc sống để sử dụng lối lý luận của một đầu bếp.

Nhưng đối với những quyết định quan trọng – như chọn nơi để ở, chọn bạn chọn bè, chọn đối tượng để kết hôn, chọn có con hay không, cách nuôi dạy chúng ra sao, cách bạn đặt thứ tự ưu tiên trong lối sống của mình, bạn khó mà có thể lý luận như một đầu bếp được.

Việc xây dựng con đường nghề nghiệp chắc chắn là một trong những điều quan trọng.

Hãy tìm hiểu lý do tại sao lại như vậy:

Pie Chart

Thời gian. Đối với hầu hết chúng ta, một nghề nghiệp (bao gồm cả thời gian đi lại và suy nghĩ về công việc) sẽ chiếm từ 50.000 đến 150.000 giờ. Hiện tại, cuộc sống của con người kéo dài khoảng 750.000 giờ. Khi bạn trừ đi tuổi thơ (~ 175.000 giờ) và phần đời trưởng thành bạn dành cho việc ngủ, ăn, tập thể dục, chăm sóc thú cưng cùng với những việc vặt (~ 325.000 giờ) bạn sẽ còn lại 250.000 giờ để “làm một người lớn có ý nghĩa”. Vì vậy, con đường nghề nghiệp sẽ chiếm khoảng 20% đến 60% thời gian làm người lớn của bạn.

Chất lượng cuộc sống. Sự nghiệp của bạn cũng ảnh hưởng lớn đến khoảng thời gian mà bạn không phải làm việc. Đối với những người không giàu có nhờ thu nhập từ trước, từ hôn nhân hay từ khoản thừa kế, thì sự nghiệp sẽ có tầm quan trọng tăng gấp đôi. Sự nghiệp của bạn cũng thường đóng một vai trò lớn trong việc xác định nơi bạn sống, cuộc sống của bạn linh hoạt như thế nào, những thứ bạn có thể làm trong thời gian rảnh rỗi và thậm chí quyết định cả việc ai sẽ trở thành bạn đời của bạn.

Tác động. Ngoài việc sự nghiệp chiếm phần lớn thời gian của bạn và là phương tiện hỗ trợ cho mọi khía cạnh khác trong cuộc sống thì sự nghiệp còn là yếu tố chính tạo ra sức ảnh hưởng của bạn. Cuộc sống của bạn va chạm với cuộc sống của hàng ngàn người khác theo hàng ngàn cách khác nhau, và tất cả những cuộc sống đó lại tiếp tục va chạm với hàng ngàn cuộc sống khác nữa. Chúng ta không thể kiểm tra điều này, nhưng tôi khá chắc chắn rằng bạn có thể chọn bất kỳ người 80 tuổi nào còn sống hôm nay, quay lại thời gian 80 năm trước, tìm họ khi còn là một đứa trẻ sơ sinh, vứt đứa trẻ đó vào thùng rác và sau đó quay trở lại hiện tại để nhận ra vô số thứ đã thay đổi. Cuộc đời của mỗi người đều có tác động lớn đến thế giới và tương lai, nhưng sức ảnh hưởng bạn tạo ra chủ yếu nằm trong tầm kiểm soát của bạn, tùy thuộc vào giá trị sống bạn chọn và những nơi bạn dồn năng lượng của mình vào. Dù hình dạng con đường sự nghiệp của bạn trông như thế nào thì thế giới cũng sẽ bị thay đổi bởi nó.

Danh tính. Khi còn là một đứa nhỏ, mọi người hay định hướng ta về sự nghiệp sau này bằng cách hỏi ta muốn trở thành người như thế nào khi lớn lên. Khi trưởng thành rồi, ta nói với mọi người về sự nghiệp của mình bằng cách cho họ biết mình là ai. Ta không nói, “Tôi hành nghề luật” mà nói, “Tôi là luật sư.” Đây không phải là cách suy nghĩ đúng về sự nghiệp, nhưng lại là cách mà xã hội hiện nay đang sử dụng. Người ta xem nghề nghiệp là cách chính để xác định danh tính của một người. Từ đó biến con đường sự nghiệp của bạn trở nên rất quan trọng.

Vâng! Đúng là như thế đấy. Con đường sự nghiệp của mỗi người trong chúng ta đều rất quan trọng, và hãy xác định để trở thành “bếp trưởng” đối với sự nghiệp của bản thân, chứ đừng là “đầu bếp”, đi sao chép dựa trên những kinh nghiệm của người khác.

Bản đồ sự nghiệp của bạn

Dưới đây là minh họa cho con đường sự nghiệp của mỗi chúng ta. Tôi không rõ chính xác sự nghiệp của bạn đang ở đoạn nào, nhưng chắc hầu hết độc giả của bài viết này sẽ nằm ở đoạn màu xanh dương, tức là bạn đang từng bước phát triển sự nghiệp của mình. Cho dù bạn chưa thực sự bắt đầu hay chưa thành công nhưng hẳn trong đầu bạn đã có một chút gì đó mường tượng về thứ gọi là bản đồ “Kế hoạch xây dựng sự nghiệp” của riêng mình.

Life path

Chúng ta có thể nhóm những người đang nắm giữ bản đồ sự nghiệp trong tay thành ba kiểu chính, mỗi kiểu được đại diện cho những người đang trôi theo dòng chảy, đã được thả vào ao, hay đang đứng trên bờ và ở mọi giai đoạn trong cuộc sống của một người trưởng thành.

Có một nhóm trong số những nhóm này, đang đứng ở ngã ba đường, nhìn vào bản đồ và hoang mang khi thấy một dấu hỏi to tướng.

map1rr

Đây là những người hơi thiếu quyết đoán về con đường sự nghiệp của họ. Họ được khuyên bảo hãy theo đuổi niềm đam mê của mình, nhưng họ cảm thấy mình chẳng đặc biệt đam mê bất cứ điều gì. Họ được giáo điều rằng hãy để thế mạnh của bản thân chỉ dẫn, nhưng họ không chắc mình giỏi nhất lĩnh vực gì. Có thể trước đây họ từng có câu trả lời, nhưng giờ thời thế đã thay đổi và họ không còn chắc chắn mình là ai hoặc đang đi đâu nữa.

Một nhóm người khác thì có thể thấy trên bản đồ các mũi tên định hướng rõ ràng mà họ tự tin là chỉ đúng đường, nhưng chẳng hiểu sao chân họ cứ tự động rẽ theo một hướng khác. Nhóm người này đang sống với một trong những nỗi khốn khổ phổ biến nhất của con người: trong thâm tâm họ biết rõ con đường sự nghiệp mà họ đang đi là sai.

map2

Một nhóm người may mắn hơn thì cảm thấy họ biết rõ nơi họ muốn tới và tin rằng họ đang đi đúng theo hướng đó.

map3

Nhưng ngay cả nhóm người may mắn này họ cũng nên tạm dừng bước và tự hỏi: “Ai là người đã vẽ những mũi tên này? Có thật sự là mình vẽ không?”. Câu trả lời có thể khiến họ lúng túng đấy.

Tôi chắc chắn rằng tất cả những người này đều sẽ được “khai sáng” nếu dành ra vài khoảnh khắc tự nhìn nhận lại con đường sự nghiệp của bản thân.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao tôi lại nghĩ rằng tôi có thể giúp bạn tự nhìn nhận lại sự nghiệp của mình chỉ với cái đống hình vẽ người que vô nghĩa trong bài này?

Câu hỏi cực kỳ hợp lý. Một điều tôi luôn tự hỏi mình khi tôi chọn chủ đề để viết đó là “Liệu mình có đủ trình độ để viết về điều này không?”. Và dưới đây là những lý do tôi quyết định viết về vấn đề chọn nghề:

  • Tôi đã dành gần 20 năm qua để phân tích con đường sự nghiệp của chính mình.
  • Con đường của tôi đã trải qua rất nhiều ngã rẽ. Từ việc muốn trở thành một ngôi sao điện ảnh khi tôi 7 tuổi đến việc muốn trở thành tổng thống khi 17 tuổi, muốn sáng tác nhạc phim khi 22 tuổi, muốn trở thành một doanh nhân khi 24 tuổi, muốn viết nhạc kịch khi 29 tuổi và gần đây nhất là muốn trở thành biên kịch chuyên nghiệp.
  • Sau khi chạy loăng quăng khắp ngả trên con đường sự nghiệp trong cả cuộc đời, hiện tại tôi thực sự yêu công việc của mình bây giờ. Điều đó luôn có thể thay đổi, nhưng khi nhìn lại quá trình đưa ra quyết định từng khiến tôi bối rối hoặc bực mình ra sao, cũng như các quyết định nào đã khiến tôi hài lòng hơn, tôi nhận ra mình đã phần nào hiểu được những người khác thường mắc sai lầm ở đâu.
    Ngoài việc đã có case study từ chính bản thân mình, tôi còn được biết tình cảnh của hàng chục bạn bè gần gũi xung quanh. Bạn bè tôi cũng bị “ám ảnh” về con đường sự nghiệp của họ. Nhờ vậy trong khi quan sát con đường của họ, nói chuyện với họ về những vấn đề họ gặp phải, tôi đã mở rộng tầm nhìn của mình về chủ đề này, giúp tôi rạch ròi giữa các bài học mang tính cá nhân và mang tính cộng đồng.
  • Cuối cùng, đây không phải là một bài viết so sánh nghề nào tốt hơn hay nghề nào ý nghĩa hơn. Có rất nhiều nhà khoa học xã hội và các tác giả viết chuyên sâu về phát triển bản thân và tôi không phải là một trong số họ. Thay vào đó, đây là một khung hệ thống tôi nghĩ có thể giúp mọi người đánh giá con đường sự nghiệp của mình một cách rõ ràng và trung thực nhất, thấy được điều gì thực sự quan trọng với họ. Cách này đã giúp tôi rất nhiều, vì vậy tôi nghĩ rằng nó có thể sẽ hữu ích với các bạn.

Bây giờ bạn đã có một cái nhìn mới về bản đồ kế hoạch sự nghiệp của bạn, dù cho nó có bất kì mũi tên định hướng nào hay không, hãy cứ đặt nó xuống và bỏ qua một bên. Chúng ta sẽ quay lại với nó ở cuối bài viết. Bây giờ là lúc bắt đầu động não và suy nghĩ về mọi chuyện từ đầu, với nguyên tắc đầu tiên.

_________

Trong một bài viết phân tích về lý luận của “đầu bếp – bếp trưởng” (Chi: nếu có thời gian mình sẽ dịch tiếp bài này), tôi đã thiết kế một khung hệ thống đơn giản diễn tả cách một “bếp trưởng” đưa ra các lựa chọn lớn trong sự nghiệp. Cốt lõi của khung hệ thống này là một biểu đồ Venn đơn giản.

Cùng phân tích Chiếc Hộp Mong Muốn

Phần đầu tiên của biểu đồ là Chiếc Hộp Mong Muốn (Want Box), trong đó chứa tất cả những ngành nghề mà bạn từng muốn làm.

Phần thứ hai của biểu đồ là Chiếc Hộp Thực Tế (Reality Box). Chiếc hộp này chứa những lĩnh vực sự nghiệp mà bạn có khả năng cao là sẽ thành công nếu đi theo nó. Điều này đánh giá dựa trên sự so sánh giữa khả năng của bạn trong chuyên môn của lĩnh vực đó và độ khó để thăng hoa trong sự nghiệp khi bạn tham gia vào thị trường ngành nghề này.

Phần giao giữa hai chiếc hộp này chứa những con đường tối ưu nhất bạn có thể lựa chọn để đi theo, chứa những mũi tên bạn nên xem xét để vẽ vào Bản đồ Sự nghiệp của mình. Ta có thể gọi phần này là Bể Lựa Chọn.

Đến đây chắc các bạn đã phần nào hiểu những vấn đề chúng ta cần đào sâu. Nhìn thì đơn giản nhưng việc làm đầy những chiếc hộp này khó hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Để biểu đồ này thực sự chất lượng, những thông tin trong nó phải sát với thực tế nhất có thể, tức là ta cần phải nhìn nhận bản thân thành thật hết mức. Phần tiếp theo, chúng ta sẽ bắt đầu từ chiếc hộp đầu tiên, Chiếc Hộp Mong Muốn.

Việc khó khăn khi xác định Chiếc Hộp Mong Muốn đấy là bạn muốn quá nhiều thứ khác nhau, hay nói đúng hơn là mỗi người đều có rất nhiều khía cạnh khác nhau và mỗi khía cạnh lại muốn và sợ đủ thứ. Và vì mỗi công việc lại mâu thuẫn với nhau về mặt động lực và sở thích nên bạn không thể làm mọi thứ bạn muốn được. Quyết định đi theo một hướng có nghĩa là sẽ phải từ bỏ những hướng khác, và thậm chí phải đi ngược lại hoàn toàn với những hướng đó. Chiếc Hộp Mong Muốn là một trò chơi thỏa hiệp.

Con bạch tuộc khao khát

Để có được Chiếc Hộp Mong Muốn, bạn cần phải suy nghĩ về những gì bạn khao khát có được trong sự nghiệp của mình và gợi mở từng thứ một. May mắn thay, Con Bạch Tuộc Khao Khát sẽ giúp được chúng ta.

Mỗi chúng ta đều có một Con Bạch Tuộc Khao Khát trong đầu. Đặc điểm của con bạch tuộc với mỗi người có thể đa dạng nhưng thực ra mọi người cũng không khác nhau là mấy, và tôi cá rằng nhiều người trong chúng ta có những khao khát và nỗi sợ rất giống nhau.

Điều đầu tiên cần nghĩ đến là con người có những nhóm khao khát có thể chỉ mặt đặt tên – giả sử mỗi nhóm đó là một xúc tu của con bạch tuộc. Những cái xúc tu này thì không mấy hòa hợp với nhau.

Octopus 2B

Tình hình có vẻ tệ. Mỗi xúc tu là tổ hợp của một đống khao khát và nỗi sợ đi kèm riêng biệt, và chúng thường xuyên mâu thuẫn với nhau.

Octopus 3 segmented 1

Thử quan sát kỹ hơn từng xúc tu và xem chuyện gì đang xảy ra nhé.

Xúc tu khao khát Cá Nhân có lẽ là xúc tu khó để hình dung nhất – nó khá đặc thù với mỗi người. Xúc tu này phản ánh tính cách cụ thể và giá trị của chúng ta, nó cũng mang theo gánh nặng lớn nhất, phức tạp và thử thách nhất trong nhu cầu của con người đó là: trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Xúc tu này cũng phải vẫy vùng không chỉ giới hạn với bản thân mỗi người ở hiện tại mà còn ở quá khứ nữa. Ước mơ năm 7 tuổi, nhân dạng lý tưởng năm 12 tuổi, niềm hy vọng chôn giấu ở tuổi 17 và niềm đam mê đang lớn dần của bản thân ở hiện tại đều xuất hiện đâu đó trên chiếc xúc tu Cá Nhân, thể hiện những gì cá nhân ta mong muốn và chúng có thể làm bạn cảm thấy thật sự tệ hại, thất vọng và ghê tởm chính mình nếu thất bại. Trên hết, nỗi sợ đối với cái chết của bạn cũng xuất hiện trên xúc tu Cá Nhân, chúng thúc giục bạn để lại dấu ấn của bản thân và đạt được những thành công vĩ đại nhất có thể. Xúc tu Cá Nhân trở thành động lực, là lý do tại sao bạn không thể tìm thấy bất kỳ nhà tỉ phú nào dành phần còn lại của cuộc đời họ nhâm nhi cocktail trên bãi biển. Chiếc xúc tu này không cho phép bạn được thỏa mãn với bản thân.

Chắc cũng vì vậy mà chiếc xúc tu Cá Nhân thường gặp cái kết đau thương. Nó bị ta bỏ quên, hoặc phớt lờ đi mất. Bởi vì trong nhiều trường hợp, đó là tập hợp các khao khát lớn lao nhất để quyết tâm thực hiện nhưng hệ quả của việc không thực hiện nó lại không hiện hữu ngay trước mắt mà lâu lâu lấp ló đó đây trong suy nghĩ của bạn, hù dọa bạn. Hơn thế nữa, xúc tu Cá Nhânluôn có nguy cơ bị nhấn chìm trên con đường sự nghiệp của bạn bởi những cảm xúc mạnh mẽ và hoang dã của những xúc tu khác. Việc phớt lờ xúc tu Cá Nhân có thể khiến bạn vô cùng hối tiếc về sau. Một chiếc xúc tu Cá Nhânkhông được thỏa mãn thường là lí do đằng sau những người rất thành công, nhưng lại không cảm thấy hạnh phúc. Họ cho rằng mình đã thành công nhưng lại ở sai lĩnh vực mất rồi.

Chiếc xúc tu khao khát Xã Hội có lẽ là khía cạnh nguyên thủy nhất, hoang dã nhất, và cốt lõi của nó bắt nguồn từ quá trình tiến hóa của chúng ta từ thời công xã nguyên thủy. Trên chiếc xúc tu này đầy những “sinh vật” kỳ lạ.

Như một bài trước tôi có đề cập (Chi: có thời gian mình sẽ dịch bài này), tất cả chúng ta đều có một chú voi ma mút khổng lồ tồn tại trong đầu, khiến ta bị ám ảnh bởi những gì người khác nghĩ về mình. Chú voi ấy khao khát được chấp nhận, được hòa nhập, được xã hội yêu thích, và tương tự cũng làm cho chúng ta sợ hãi mỗi khi bị đả kích, phán xét hay bị tẩy chay. Chú voi đó thực sự rất rất muốn hòa mình vào cộng đồng và thực sự sợ bị lạc loài.

Vậy đó, chú voi đó chính là hình thái cho một bản ngã của bạn, và thậm chí nó còn muốn nhiều hơn thế nữa cơ. Bản ngã của bạn không chỉ muốn được xã hội chấp nhận mà còn muốn được ngưỡng mộ, được thèm khát, lý tưởng nhất là được cả thiên hạ ngả mũ trước mình. Ngược lại, việc bạn bị ghen ghét còn không đáng sợ bằng việc bị cả thế giới phớt lờ. Bản ngã này luôn muốn bạn trở nên quan trọng và có sức ảnh hưởng.

Ngoài chú voi ma mút kể trên thì cũng còn những bản ngã khác xung quanh chiếc xúc tu này. Một nơi nào đó trên chiếc xúc tu xuất hiện bản ngã là một người thẩm phán, người này sẽ trở nên vô cùng khó chịu nếu có ai đó đối xử với bạn không công bằng, nếu bạn không được đánh giá đúng với những gì bạn có. Bản ngã thẩm phán này khao khát việc tài năng và trí tuệ của bạn được mọi người nhìn nhận. Thẩm phán cũng là người làm bạn luôn trăn trở, nung nấu ý định phải thể hiện bản thân trước những người không tin vào khả năng của bạn.

Cuối cùng, một số người trong chúng ta có thể tìm thấy bản ngã là một chú chó nhỏ đáng yêu bậu trên chiếc xúc tu Xã Hội, và chú ta không khao khát gì hơn ngoài việc làm hài lòng chủ nhân của mình, không thể chịu đựng được việc làm chủ nhân thất vọng. Vấn đề duy nhất với sinh vật đáng yêu này là chủ nhân của nó không phải là bản thân bạn. Đó là một người có quá nhiều sức ảnh hưởng đến tâm lý của bạn, nếu không tỉnh táo và kiên định, bạn có thể dành toàn bộ sự nghiệp của mình để cố gắng làm hài lòng họ và khiến họ tự hào (ví dụ điển hình chính là các bậc làm cha làm mẹ).

Chiếc xúc tu thứ 3 là xúc tu Phong Cách Sống, với khao khát đơn giản đó là mỗi ngày đều là một ngày vui. Vui ở đây nghĩa là sao? Vui tức là một ngày bạn có thật nhiều thời gian rảnh để chăm sóc bản thân, ung dung tự tại, nghỉ ngơi thư giãn, tận hưởng cuộc sống phong lưu.

Chiếc xúc tu này mong muốn vẽ cuộc đời của bạn thành một bức tranh hoàn hảo, bạn luôn làm được mọi thứ mình muốn, bất kỳ lúc nào, cách nào cũng được, với những người bạn yêu quý nhất. Cuộc đời là phải luôn vui tươi, giàu trải nghiệm, trôi qua trong thanh bình, suôn sẻ, không cần làm việc nặng nhọc, càng ít va vấp càng tốt.

Vấn đề là, kể cả khi bạn đặt ưu tiên hàng đầu cho chiếc xúc tu này thì không phải lúc nào cũng duy trì được trạng thái hạnh phúc tổng thể của nó. Một vài phần của chiếc xúc tu khao khát cuộc sống ung dung tự tại sẽ cản trở bạn đồ mồ hôi công sức để xây dựng con đường sự nghiệp mang lại các giá trị lâu dài về vật chất để đảm bảo cho bạn có một nếp sống phong lưu đủ đầy tiêu tiền khỏi phải nghĩ. Phần khác của chiếc xúc tu chỉ cảm thấy thoải mái nếu tương lai luôn có thể lường trước thì lại cản trở con đường tạo ra sự tự do dài hạn. Nếu bạn mong muốn một cuộc sống vô âu vô lo thì lại chẳng thể đáp ứng được khao khát muốn chinh phục những đỉnh núi vĩ đại mà ai ai cũng muốn đặt chân tới.

moral tentacle 1

Xúc tu Lý Tưởng cho rằng mọi chiếc xúc tu khác đều là đồ bỏ đi vì quá coi trọng bản thân. Chiếc xúc tu này thể hiện những phần trong bạn luôn nhìn ra ngoài thế giới rộng lớn và cảm thấy có rất nhiều thứ cần phải sửa chữa. Bạn nhìn thấy những mảnh đời khó khăn, thấy tương lai của những mảnh đời đó như ngàn cân treo sợi tóc, và điều này bạn chỉ có thể tham gia sửa chữa nếu bạn gạt bỏ hết khao khát của những chiếc xúc tu khác. Trong khi những chiếc xúc tu kia hình dung về việc bạn có thể làm với cuộc đời mình nếu có 1 tỷ đô trong ngân hàng thì chiếc xúc tu Lý Tưởng hình dung về sức ảnh hưởng bạn có thể tác động lên thế giới với một tỷ đô đó.

Chẳng cần nói cũng biết, những chiếc xúc tu khác sẽ cảm thấy cậu bạn Lý Tưởng này thật không thể chịu nổi. Chúng không thể hiểu được tại sao bạn phải từ thiện, từ thiện thì được cái gì. Chúng nghĩ rằng “Những người đó không phải là mình, sao mình phải tốn thời gian và năng lượng để giúp đỡ họ?”. Chúng chỉ hiểu động lực để bạn “từ thiện” cho chính bản thân mình mà thôi. Chiếc xúc tu Lý Tưởng và xúc tu Phong Cách Sống là mâu thuẫn với nhau nhiều nhất, còn lại với các chiếc xúc tu khác thi thoảng sẽ tìm thấy tiếng nói chung. Chẳng hạn xúc tu Xã Hội có thể sẽ rất ủng hộ việc từ thiện nếu điều đó giúp bạn đạt được sự coi trọng và ngưỡng mộ từ cộng đồng, thể hiện bạn đang thuộc những tầng lớp cao hơn trong xã hội, và xúc tu Cá Nhân thì đôi khi sẽ cảm thấy tự hào với bản thân nếu bạn tham gia làm từ thiện.

Đó là lí do tại sao mỗi khi làm từ thiện, bạn sẽ cảm thấy khá nhiều cảm xúc tích cực khác nhau trong tư tưởng. Một phần trong bạn cảm thấy hãnh diện vì nhận được những tán dương từ cộng đồng, một phần thì cảm thấy tự hào vì bản thân “Ôi mình thật sự là một người tốt bụng!” và một phần thì thực sự cảm thấy hạnh phúc khi thấy những người được mình giúp đỡ đã có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngược lại, việc không giúp đỡ được những người khác sẽ khiến xúc tu Lý Tưởng của bạn cảm thấy buồn rầu và tội lỗi, xúc tu Xã Hội sẽ trách móc bạn là thứ ích kỷ, và xúc tu Cá Nhân sẽ khiến cho lòng tự trọng của bạn bị giảm đi.

Chiếc xúc tu Thực Tế cho rằng mọi thứ diễn ra xung quanh bạn đều ổn, đều tuyệt cả, nhưng cũng chính nó nhắc bạn rằng: “Này, mai là cuối tháng rồi đấy và chúng ta chưa trả tiền nhà đâu, trong khi ví thì lép kẹp rồi. Tụi bây cứ liệu cái thần hồn đấy!”. Cuối tháng trước, xúc tu Thực Tế cũng đã nhắc bạn như vậy, mọi chiếc xúc tu khác đều cam kết làm gì thì làm nhưng sẽ tìm mọi cách để ví bạn đủ dày vào cuối tháng nhằm trả tiền nhà, để việc đó không trở thành gánh nặng đầy áp lực mỗi tháng. Chiếc xúc tu Thực Tế chẳng thể làm gì ngoài “ghi sổ” lại rằng xúc tu Xã Hội yêu cầu trả tiền đồ uống cho chín người đã cùng bạn quẩy bar đêm thứ Bảy vừa rồi chỉ để họ nghĩ bạn thật là đẳng cấp, hào phóng; cảm thấy chán nản vì xúc tu Phong Cách Sống cứ khăng khăng phải thuê cho bằng được một căn hộ thật “xịn” để sống cho thoải mái dù ngân sách chẳng được bao nhiêu và thực sự câm nín khi biết xúc tu Lý Tưởng đã quăng hơn 2500$ ra ngoài cửa sổ chỉ bằng cách đầu tư cho công ty khởi nghiệp một đứa bạn mới thành lập. À đấy là còn chưa kể đến việc xúc tu Cá Nhân thì đang lang thang trau dồi kinh nghiệm bằng việc làm thực tập sinh ở hai nơi cùng một lúc, trong khi tiền kiếm được thì còn thua cả một anh bồi bàn quèn.

Ở mức độ cơ bản nhất, chiếc xúc tu Thực Tế mong muốn rằng bạn có thức ăn bỏ bụng, có quần áo tròng vào người, có thuốc để uống và không lang thang du thủ du thực, không nhà không cửa. Nó chẳng cần quan tâm bằng cách nào, chỉ cần bạn làm được là ok. Thế nhưng mọi chiếc xúc tu khác trên con bạch tuộc lại làm cậu bạn Thực Tế của chúng ta sống dở chết dở vì cái gì cũng muốn, cái gì cũng đòi hỏi. Cứ mỗi khi thu nhập của bạn tăng lên, cậu Phong Cách Sống sẽ quyết định nâng cao mức sống của bạn lên theo ý cậu ta, mặc kệ cho cậu Thực Tế xoay xở làm sao để bạn không tiêu pha vượt quá hạn mức tín dụng. Cậu Cá Nhân thì cứ làm đủ thứ hoạt động tốn nhiều thời gian mà lại chẳng thu về tí tiền nào cả. Và trong khi cậu Thực Tế oằn mình van xin bạn hãy đi tìm ông chú giàu có mượn ít tiền đi, túng lắm rồi thì cậuXã Hội lại gào lên rằng “Làm thế thì nhục lắm!” và cậu Cá Nhân thì a dua “Đúng rồi, mình có thể tự xoay xở được mà!”.

Phải, tình hình chung là như vậy đó. Bạn có chú bạch tuộc Khao Khát trong đầu với 5 anh bạn xúc tu (hoặc thậm chí còn nhiều hơn). Mỗi anh bạn đều có những khao khát riêng, và luôn mâu thuẫn với nhau. Thậm chí có chiếc xúc tu tự mâu thuẫn với chính nó. Và như thế vẫn chưa đủ, đôi khi với bạn còn không hiểu mình đang khao khát cái gì nữa kìa. Giống như kiểu bạn luôn khao khát được theo đuổi đam mê, nhưng lại chẳng rõ mình đang đam mê cái quái gì.

Hay là khi bạn khao khát bản thân được tôn trọng, nhưng rồi lại nhớ ra nếu nghề này nhận được sự tôn trọng của một cộng đồng trong xã hội, rất có thể lại vấp phải sự chê trách hay coi thường của một cộng đồng khác.

Hoặc đôi khi bạn nhận ra rằng một phần trong bạn muốn cống hiến cả đời để thanh lọc những vấn nạn trong nhân loại, phần đó lại cảm thấy ghê tởm với một phần muốn có được sức ảnh hưởng trên cộng đồng, và một phần khác thì cảm thấy hai phần trên đúng là tàn nhẫn và vô nhân đạo trong khi ngoài kia có biết bao nhiêu người còn chẳng có nước sạch để mà uống.

Vâng, đúng vậy đấy, con Bạch Tuộc Khao Khát của mỗi người rất phức tạp. Và không có ai trên đời này có thể thỏa mãn 100% con bạch tuộc đó của họ. Bạn sẽ không bao giờ thấy chú ta nở nụ cười mãn nguyện đâu! Những khao khát thầm kín của con người là một trò chơi đầy rẫy sự lựa chọn, hi sinh và thỏa hiệp.

Mổ xẻ con Bạch Tuộc

Sau khi đã mường tượng sơ sơ về con Bạch Tuộc, chúng ta hãy quay trở lại với Chiếc Hộp Mong Muốn. Mỗi khi nghĩ về những mục tiêu, nỗi sợ, những hi vọng và ước mơ trên con đường sự nghiệp, ý thức của chúng ta sẽ luôn quẩn quanh với những âm thanh vọng lại từ xa của con Bạch Tuộc Khao Khát, những âm thanh lớn nhất, vang nhất chứ không phải tất cả. Chỉ khi nhìn sâu trong tiềm thức của bản thân, ta mới thực sự thấy được chuyện gì đang diễn ra, hay con Bạch Tuộc thật sự đang nằm ở đâu, những chiếc xúc tu đang làm gì.

Chúng ta luôn có khả năng để làm điều này. Những suy nghĩ trong tiềm thức của bạn giống như tầng hầm của một căn nhà, không phải là không thể chạm tới, chỉ là đang đóng bụi và thường bị khóa kín mà thôi. Để tự nhìn vào tiềm thức, chúng ta chỉ cần A) nhớ rằng mỗi căn nhà đều có một tầng hầm, và B) thực sự bỏ thời gian và năng lượng để đi xuống dưới đó, dù là đi xuống đó có thể không mấy dễ chịu.

Nào, chúng ta cùng thử khám phá tầng hầm trong tâm trí của bản thân và kiếm tìm con Bạch Tuộc xem sao. Tầng hầm của bạn thường sẽ khá tối tăm, khó để tìm thấy con Bạch Tuộc, trừ khi bạn là người thường xuyên luyện tập việc nhìn nhận lại tiềm thức. Để khai sáng cho nơi tối tăm ấy, chúng ta hãy bắt đầu từ việc khoanh vùng những khao khát mà ý thức của bạn đã nhận biết, rồi dần dần gợi mở nó.

Liệu trong đầu bạn hiện tại đã hình thành một con đường sự nghiệp nào đó mà bạn muốn theo chưa? Vậy anh chàng Xúc Tu nào đang điều khiển bạn muốn đi theo con đường đó? Và anh ta đang thôi thúc bạn làm những gì?

Nếu hiện tại bạn chưa đi theo con đường sự nghiệp mà có vẻ mình đang mong muốn, vậy thì hãy lý giải tại sao lại chưa. Nếu bạn nghĩ là do bạn sợ thất bại, hãy tiếp tục bổ dọc xem mình sợ thất bại ở đâu. Nỗi sợ thất bại có thể xuất phát từ bất kỳ anh chàng Xúc Tu nào, và bạn cần đánh giá sâu hơn nữa, cần phải hiểu thật rõ ngọn nguồn của nỗi sợ. Đó có phải nỗi sợ từ anh chàng Xúc Tu Xã Hội, sợ bị mất mặt trước cộng đồng, trước những người thương yêu, sợ bị họ chê là ngu ngốc? Hay đó là anh Xúc Tu Cá Nhân sợ hủy hoại hình ảnh của bản thân, cảm thấy bất an và nghi ngờ chính mình? Liệu có xuất phát từ Xúc Tu Phong Cách Sống khi anh ta sợ phải hạ tiêu chuẩn sống của bạn xuống, sợ cuộc sống thêm stress, bất ổn định? Hoặc cũng có thể nỗi sợ giảm tiêu chuẩn sống không đến từ Xúc Tu Phong Cách Sống mà từ Xúc Tu Xã Hội, anh chàng luôn sợ hình ảnh và giá trị của bạn trong mắt những người xung quanh bị hạ thấp. Cũng có thể có những điều kiện tài chính bạn chưa thể đảm bảo ở hiện tại, vì vậy mà Xúc Tu Thực Tế của bạn đang vô cùng hoang mang không biết bạn sẽ lời hay lỗ trong “phi vụ sự nghiệp” đó? Chúng có khi nào đang gộp lẫn vào nhau và tạo ra nỗi sợ ngăn cản bạn thực hiện bước nhảy vọt?

Có thể bạn nghĩ không phải nỗi sợ thất bại đang ngăn trở bạn, mà là điều gì đó khác. Có thể đó là nỗi sợ phải thay đổi nhân dạng, cả bên trong lẫn bên ngoài, mà con đường sự nghiệp đó đòi hỏi. Có thể đó là áp lực nặng nề từ sức ì của chính bạn, cản trở mọi khao khát manh mún. Nói chung, bạn sẽ cần giải mã mọi cảm giác và tự hỏi bản thân xem thực ra chiếc xúc tu nào đang phản đối việc thay đổi bản thân, hay đang bị đè bởi quả cân sức ì.

Có thể bạn khao khát làm giàu. Bạn luôn tưởng tượng về một cuộc sống phong lưu khi làm ra 1.2 triệu đô mỗi năm và có động lực to lớn để thực hiện điều đó. Cả 5 chiếc xúc tu đều có những lí do riêng và hoàn cảnh để ham muốn vật chất. Hãy đào sâu vào những lí do và hoàn cảnh đó.

Trong khi bạn đang gợi mở những động lực kiếm tiền từ bên trong, có thể bạn sẽ khám phá ra rằng từ cốt lõi, động lực này thiên về cảm giác mong muốn được an toàn hơn là ham mê vật chất đơn thuần. Con người luôn có mong muốn được an toàn, ổn định về mặt tài chính, từ đó anh chàng Xúc Tu Thực Tế có thể làm mọi thứ anh ta muốn. Mặc dù vậy lượng vật chất đủ để an toàn không phải lúc nào cũng đáp ứng đủ cho nhu cầu của Xúc Tu Xã Hộihay Phong Cách Sống. Đôi khi bạn tự quy định mức độ an toàn của vật chất là phải đảm bảo nhu cầu cho Xúc Tu Phong Cách Sống kia. Đó là lí do bạn sẽ luôn bị áp lực bởi vấn đề vật chất dù thực tế mọi chuyện không đến mức tệ như bạn tưởng.

Câu trả lời cho mọi câu hỏi ẩn đâu đó trên những chiếc xúc tu của con Bạch Tuộc Khao Khát. Bằng cách đặt ra những câu hỏi như vậy và đào sâu để tìm ra gốc rễ của vấn đề, bạn bắt đầu khai sáng tầng hầm của mình, dần làm quen với con Bạch Tuộc đầy phức tạp của bản thân.

Bạn cũng sẽ dần hiểu khao khát nào của bản thân đang gào lên to và vang nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đến những quá trình ra quyết định của bạn. Từ đó, bạn sẽ vạch ra được tháp cấp bậc các mức độ khao khát của mình. Hãy vạch rõ khao khát nào lớn nhất đang trồi lên đầu, khao khát lấp lửng ở giữa và khao khát nào có mức độ ưu tiên thấp nhất trong cái tháp này.

Tìm kiếm Kẻ Mạo Danh

Chúng ta đang có những bước tiến triển khá tốt đấy, nhưng mới chỉ chập chững bước khởi đầu thôi. Ngay khi bạn đã hình dung được một bức tranh rõ ràng về Con Bạch Tuộc Khao Khát của mình, bạn có thể bắt đầu đào sâu hơn nữa trong tiềm thức của mình, một tầng hầm thứ hai, còn sâu hơn tầng hầm trước nữa. Ở đó, bạn hãy tổ chức một buổi thẩm vấn nho nhỏ, lôi từng khao khát một ra và tiến hành kiểm tra chéo.

Bạn sẽ bắt đầu bằng việc hỏi từng nỗi khao khát ấy rằng: làm thế nào cậu lại có mặt ở đây, và tại sao cậu lại xuất hiện? Những tham vọng, niềm tin, giá trị và nỗi sợ của bạn không tự dưng mà xuất hiện đâu. Chúng phát triển và lớn dần lên theo thời gian trong tiềm thức của chúng ta thông qua những quan sát, trải nghiệm trong cuộc sống bên ngoài. Nói cách khác, chúng đều là sản phẩm mà bạn đã tạo ra, dù bạn là một “đầu bếp” hay “bếp trưởng”.

Mục tiêu trong buổi thẩm vấn căng thẳng này sẽ là để xác nhận xem từng anh bạn khao khát đó có đúng là được sinh ra từ bạn không, hay chỉ là “kẻ mạo danh” bạn mà thôi.

Để khiến những “kẻ mạo danh” này lộ mặt, bạn có thể chơi Trò Chơi Tại Sao. Câu hỏi sẽ luôn bắt đầu từ “Tại sao?”, “Tại sao tôi lại muốn điều đó?” và tự đưa ra một loạt các lí do cho từng khao khát của mình. Sau đó hãy tiếp tục với một loạt câu hỏi: Tại sao lí do đó lại dẫn tới những gì tôi đang muốn ở thời điểm hiện tại? Từ khi nào lí do đó bỗng trở nên có sức nặng với tôi như vậy? Rồi khi trả lời những câu hỏi đó, bạn sẽ lại tìm ra một loạt lí do sâu hơn của các lí do và nếu cứ tiếp tục, bạn sẽ tìm ra một trong ba điều sau:

  • Bạn lần theo dấu vết của các lí do, về với bản chất và nguồn gốc của nó, khám phá ra rằng khao khát đó thực sự là kết quả của những suy nghĩ độc lập. Bạn sẽ xác nhận được những khao khát đó là thật, xuất phát từ chính con người bạn.
  • Bạn lần theo dấu vết của các lí do, về với bản chất và nguồn gốc của nó, khám phá ra rằng khao khát đó thực ra là do một ai đó đã tiêm vào não bạn. “Tôi nghĩ tôi làm điều này vì mẹ muốn tôi làm như thế!” và bạn nhận ra bạn chưa từng thực sự đắn đo suy nghĩ xem liệu bạn có thật sự đồng ý với việc đó hay không. Bạn cũng chẳng bao giờ ngừng lại để tự hỏi mình rằng có khi nào bạn đang tự lừa mình phải tin vào những điều ấy. Trong trường hợp này, anh bạn khao khát đó chính là một “kẻ mạo danh”, khiến cho bạn tưởng đó là con người bạn, nhưng thực chất là của một người khác tiêm cho bạn mà thôi.
  • Bạn lần theo dấu vết của các lí do, lần hoài lần hoài nhưng rồi bị lạc trong một đống sương mù vô tường vô tỏ. Bạn chỉ biết rằng bạn có khao khát đó, nhưng lại không rõ “Đây có thật sự là của mình không?” hay lại chỉ là một phiên bản khác của “kẻ mạo danh” thôi. Có thể trong một thời điểm nào đó trong đời, bởi một ai đó, một tình huống nào đó, bạn bị tiêm vào đầu suy nghĩ ấy. Dù không rõ ràng nguồn gốc, nhưng trong thâm tâm bạn sẽ tự nhận ra suy nghĩ đó có thực sự xuất phát từ con người bạn hay không.

Ở điều số 1, bạn hãy tự hào vì mình đã phát triển và “xào nấu” bản thân như một người bếp trưởng. Đó hoàn toàn là những khao khát thật sự, những cảm xúc và giá trị thật của bản thân bạn.

Ở điều số 2 hoặc 3, bạn phát hiện ra mình đã bị lừa. Bạn đã để cho một ai đó khác lẻn vào tầng hầm, và tác động lên Con Bạch Tuộc Khao Khát trong khi không để ý. Bạn đã “xào nấu” nó như một người đầu bếp đơn thuần, sử dụng công thức của một người khác và áp dụng cho bản thân mình, một con rô-bốt được lập trình theo những ham muốn, sợ hãi, tham vọng của người khác.

Trong một vài trường hợp có thể bạn là một kẻ thông minh hơn người, khi đó con bạch tuộc của bạn được nuôi lớn và phát triển chỉ bởi chính bạn mà thôi, và nó luôn được cập nhật. Nhưng thường thì bạn cũng giống như tôi và bạn bè tôi mà thôi, trong quá trình thẩm vấn sẽ lộ ra vài “kẻ mạo danh”, vài điều mơ hồ. Có khi sau khi tìm hiểu ngọn nguồn mọi vấn đề, bạn lại thấy chính mẹ bạn đang điều khiển con bạch tuộc của bạn không biết chừng.

mask 1

Bạn sẽ còn lột thêm được vài cái mặt nạ nữa, để lộ ra “kẻ mạo danh” là những giá trị và quan điểm của cộng đồng bạn đang thuộc về, hay những gì được cho là đúng trong văn hóa đặc thù của thế hệ của bạn hoặc đơn giản là những điều phù hợp với nhóm bạn thân thiết bạn chơi cùng.

mask 5

Đôi lúc bạn tới cuối hành trình đi tìm câu hỏi Tại Sao chỉ để tìm thấy những triết lý trong một quyển tiểu thuyết nổi tiếng hoặc đôi khi là những câu nói mà thần tượng của bạn đã nói trong cuộc phỏng vấn, hoặc một quan điểm sâu sắc nào đó mà người thầy dạy bạn khi xưa liên tục nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại.

Bạn cũng có thể sẽ tìm thấy một số khao khát và nỗi sợ được hình thành bởi chính bạn, nhưng là khi bạn còn nhỏ. Giống như một giấc mơ thuở nhỏ đã ăn sâu vào tiềm thức đến mức bạn tin rằng đó là điều bạn thực sự muốn.

mask 7

Căn phòng thẩm vấn không phải lúc nào cũng vui vẻ nhưng thực sự là bõ công để dành thời gian cho nó, vì bạn không còn là chính mình năm 7 tuổi, cũng như bạn chẳng giống như cha mẹ, như bạn bè hay là đại diện cho thế hệ, xã hội bạn đang thuộc về, bạn chẳng liên hệ gì tới những quyết định hay hoàn cảnh trong quá khứ đã qua. Bạn của thời điểm hiện tại, là phiên bản duy nhất đủ tư cách để quyết định bạn thích gì, và không thích gì.

Để tôi nói rõ hơn, thực ra không phải là sai khi nghe theo những lời khuyên của ba mẹ, những người đi trước, những người bạn tốt hay nghe theo bản thân mình thời còn trẻ. Họ là những người có sức ảnh hưởng tới chúng ta, ai cũng vậy cả. Tuy nhiên điểm khác biệt ở đây là:

Những lời bạn nghe được từ những người khác ảnh hưởng đến bạn như thế nào? Chỉ là một nguồn thông tin để bạn tham khảo, bạn vẫn giữ chính kiến của mình, hay bạn để cho nó lấn át suy nghĩ, và biến nó thành của mình?

Khi được nghe những điều người khác khao khát hay sợ hãi, bạn có xem xét nó dựa trên những trải nghiệm sống của bản thân, rồi mới ậm ừ “À mình cũng như vậy!” hay bạn chẳng biết họ làm những gì, cứ một mực tin theo như vậy là đúng, chẳng ngại ngần tự hỏi mình có thật là mình cũng như vậy hay không?

Nếu bạn hành xử như ý đầu, bạn là một bếp trưởng. Còn nếu hành xử như ý sau, bạn chỉ là một con rô-bốt biết nghe lời. Một con rô-bốt luôn cho rằng ý kiến của người khác luôn đáng coi trọng hơn ý kiến của chính mình.

Có một tin tốt tôi phải nói cho bạn đó là ai trong chúng ta hầu như cũng mắc lỗi này hết rồi, và điều đó có thể sửa được. Tiềm thức của bạn luôn ở đó thôi, miễn là bạn có ý muốn mở nó ra xem. Và tiềm thức luôn luôn có thể thay đổi và cập nhật. Đó là đầu óc của bạn mà, bạn có quyền làm mọi điều với nó.

Rồi nhé, giờ thì đến lúc chúng ta cần phải trục xuất vài thứ. Những kẻ mạo danh, đeo mặt nạ cần phải “biến” khỏi tiềm thức của bạn đi thôi. Mẹ ơi, ba ơi, tạm biệt nhé! Mọi người hãy ra khỏi đầu con thôi nào!

Sau khi đã trục xuất được hết những kẻ mạo danh, con bạch tuộc khao khát của bạn trông sẽ hơi tã, và trần trụi, làm bạn có cảm giác mình còn hoang mang hơn lúc ban đầu nữa. Chúng ta hay nghĩ đó là cảm giác thật tồi tệ, thậm chí nhiều người còn rơi vào khủng hoảng, nhưng đừng lo, thực ra bạn đang làm tốt hơn rất nhiều người rồi đấy.

roller coaster 1 2

Thay đổi từ một người tự tin đến mức ngây thơ trở thành một người khôn ngoan, thực tế và biết mình biết ta chẳng bao giờ là chuyện dễ dàng, nhưng việc dừng một chiếc tàu lượn siêu tốc đang nằm trên đỉnh cao nhất của đường ray chỉ để tránh bị rơi xuống thì lại chẳng khôn ngoan chút nào. Ấy vậy mà rất nhiều người chọn đi theo cách đó. Sự khôn ngoan không tỉ lệ thuận với lượng kiến thức bạn có, mà tỉ lệ thuận với khả năng bạn hiểu lượng kiến thức của mình đang ở đâu. Khôn ngoan là khi bạn tiệm cận với đường đứt màu cam trên biểu đồ trên chứ không phải là cứ phát triển theo chiều ngang càng nhiều càng tốt. Để trở nên khôn ngoan, bạn sẽ phải chịu không ít tổn thương, nhưng đó là cách duy nhất để có sự phát triển thực sự. Điều trớ trêu đấy là, những kẻ hèn nhát luôn dừng lại trên đỉnh dốc kia luôn khiến cho những người thực sự thông minh và dũng cảm hiện đang nằm dưới thung lũng khủng hoảng trở nên tự ti, thấy xấu hổ về bản thân. Bởi vì sao? Vì họ cơ bản là chưa biết giá trị của việc hiểu rõ bản thân nằm ở đâu. Họ chưa tới giai đoạn để hiểu được điều đó.

Tìm hiểu rõ con người thật của chính mình là việc siêu siêu khó và chẳng bao giờ hoàn thành. Nhưng nếu bạn đã té xuống khỏi đỉnh dốc, bạn đã trải qua một giai đoạn quan trọng của chặng đường và bây giờ là lúc để tiến bộ. Ngay khi bạn trèo dần lên theo đường đứt màu cam, bạn sẽ bước từ từ nhưng đầy chắc chắn, bắt đầu hồi sinh con Bạch Tuộc Khao Khát của mình, con Bạch Tuộc thực sự phản ánh con người thật của bạn.

Tại thời điểm đó, có thể bạn chưa nhìn thấy thật rõ những khao khát thầm kín của mình, vì chúng nằm đâu đó rất rất sâu dưới tiềm thức của bạn. Nó nằm dưới tầng hầm của tầng hầm của tầng hầm nữa kìa, ở một nơi gọi là Nhà Tù Chối Bỏ.

Nhà Tù Chối Bỏ

Nhà Tù Chối Bỏ trong bộ não của chúng ta là một nơi phần lớn mọi người còn không biết là có nó. Đó là nơi chúng ta chôn giấu những kìm nén, những gì bị chúng ta chối bỏ, không chấp nhận là sự thật.

Những khao khát đích thực mà chúng ta có thể nhận ra được là những điều được xác nhận là thật trong căn phòng thẩm vấn, rất dễ dàng để tìm thấy trong tiềm thức, nó hiện diện gần bề mặt, chỉ nằm ngay dưới lớp vỏ của ý thức thông thường. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra chúng vì chúng thường xuyên trồi lên trong suy nghĩ, nhắc nhở ta về chúng. Đây là những phần của mỗi người mà chúng ta có thể kiểm soát tốt được.

Thế nhưng có những phần của bạn không nằm trên con Bạch Tuộc Khao Khát, nơi mà đáng ra nó phải hiện diện. Thay vào đó, bạn tìm thấy những kẻ mạo danh thế vào chỗ của chúng. Những phần bị lạc mất này đôi khi sẽ siêu khó để tiếp cận vì chúng nằm ẩn sâu bên dưới tiềm thức mỗi người, sâu đến mức chúng ta khó mà nhận thấy chúng được.

Một số phần đó bị ta khóa chặt dưới 3 tầng hầm tiềm thức là bởi vì chúng là những sự thật khá đau đớn để thừa nhận hoặc nghĩ về nó. Đôi khi có những điều mới sinh ra trong tiềm thức thôi mà đã bị khóa chặt trong nhà tù như một sự chối bỏ phát triển, bởi chúng ta vốn là những người bướng bỉnh, cứng đầu. Nhưng cũng có những thời điểm khi vài phần của ta nằm dưới Nhà Tù Chối Bỏ vì chúng bị một ai đó khác không phải là ta khóa chặt dưới đó. Nhất là đối với những khao khát tiềm ẩn của bạn, có thể chúng bị thế chỗ bởi những “kẻ mạo danh” chúng ta đã nhắc tới ở trên. Nếu cha của bạn thành công trong việc thuyết phục bạn tiếp nối sự nghiệp của gia đình như ý ông muốn, thì cũng đồng nghĩa với việc làm cho bạn không còn tin vào khao khát trở thành một ca sĩ nổi tiếng mà bấy lâu bạn vẫn ao ước. Ở một giai đoạn nào đó trong tuổi thơ của bạn, cha đã đem khóa chặt niềm đam mê ca hát thực sự của bạn vào phía sau những song sắt tối tăm của Nhà Tù Chối Bỏ.

Vậy nên, ta cần phải thật can đảm để đi xuống nơi tối tăm đó và tìm xem chúng ta đã chôn giấu những gì.

denial prison 1 1

Bạn có thể sẽ gặp phải vài phần tử không dễ chấp nhận.

denial prison 2

Tụi này thì hãy cứ nhốt tạm ở đó đã, đụng đến bây giờ là đảo lộn hết. Giờ là lúc đi tìm những khao khát liên quan đến sự nghiệp đang bị nhốt ở đâu đó kìa. Có thể đâu đó bạn sẽ tìm thấy niềm đam mê được đứng trên giảng đường dạy học. Hoặc khao khát được nổi tiếng trong một lĩnh vực nào đó mà cả gia tộc của bạn dè bỉu, chê bôi. Hoặc nung nấu muốn có một thời gian rảnh thật rảnh để dành thời gian cho bản thân mà tuổi trẻ đầy năng lượng và tham vọng hồi đó của bạn không cho phép.

Đương nhiên sẽ có một vài phần trong bạn không chịu xuất đầu lộ diện. Nhà Tù Chối Bỏ có những ngóc ngách thực sự rất tăm tối. Nhưng hãy kiên nhẫn! Bạn đã dọn đường để chúng có thể trồi dần lên, cũng như đã dọn chỗ cho chúng có thể cắm rễ trên con Bạch Tuộc Khao Khát của mình thành công rồi.

Hệ thống mức độ ưu tiên

Phần còn lại trong công cuộc “tái cơ cấu” con Bạch Tuộc Khao Khát sẽ là phân cấp cho các khát khao của bạn. Việc chia mức độ ưu tiên cho những khao khát này cũng quan trọng y như việc phải tìm ra chúng. Hệ thống mức độ ưu tiên này khá dễ thấy vì nó được tiết lộ thông qua những hành động của bạn. Bạn có thể cho rằng việc khao khát muốn làm một điều gì đó táo bạo nên được ưu tiên lên đầu, nhưng đấy chỉ là bạn nghĩ, khi bạn chưa thực hiện nó thì tức là đang có những nỗi sợ hoặc một lí do nào đó cản trở đang được ưu tiên để lên trên.

Điều quan trọng cần nhớ đó là, thứ hạng của những khao khát cũng là thứ hạng của những nỗi sợ. Con Bạch Tuộc bao gồm bất kỳ thứ gì có thể khiến bạn muốn hoặc không muốn theo đuổi một con đường sự nghiệp, và mặt trái của mỗi khao khát là nỗi sợ hãi đối lập với nó. Mặt đối lập của khao khát muốn được tôn trọng là sự sợ hãi bị bẽ mặt. Đối lập với khao khát muốn khẳng định bản thân sẽ là nỗi sợ hãi bị thất vọng vì bản thân làm không tới. Trái ngược với lòng tự trọng sẽ là sự tủi hổ. Nếu như những hành động bạn đang làm không ăn khớp những gì được sắp xếp trong hệ thống phân cấp khao khát thì tức là bạn đã quên mất vai trò của những nỗi sợ đang hiện hữu của mình. Động lực để trở nên thành công của bạn thực chất có thể là động lực để không bị xã hội coi thường hay không phải ghen tị với người khác. Nếu bạn còn chần chừ thực hiện những khao khát của mình và tưởng rằng thực ra bạn không quan tâm đến nó nhiều đến mức đó, thì thực ra là bạn đang bị nỗi sợ che mắt mà thôi.

Với những khao khát và nỗi sợ cùng lúc song hành trong đầu, bạn thử hình dung xem hệ thống phân cấp bên trong đầu bạn trông như thế nào, và lặp lại một câu hỏi quen thuộc: “Ai là người đặt ra mức độ ưu tiên đó? Có phải chính bản thân mình thật không?”.

Ví dụ, chúng ta cứ liên tục nghe ra rả trên các phương tiện truyền thông rằng “tuổi trẻ hãy theo đuổi đam mê”. Vậy chính là xã hội ngoài kia ra chỉ thị cho bạn “này, hãy đưa những khao khát theo đuổi đam mê lên đầu hệ thống ưu tiên của mày đi”. Đó là một hướng dẫn hết sức cụ thể. Rất có thể đó là một lựa chọn đúng cho bạn, nhưng cũng có khi lại là sai lầm. Bạn cần phải tỉnh táo, hết sức tỉnh táo để đánh giá điều này.

Để biến sai thành đúng, hãy cố gắng để tạo nên một hệ thống ưu tiên mới hoàn toàn, dựa trên việc ta là ai, ta đã phát triển qua từng giai đoạn như thế nào, và điều gì thực sự quan trọng với ta ở thời điểm hiện tại.

Việc này không liên quan đến chuyện xác định khao khát nào đang thúc giục nhất hay nỗi sợ nào đang hiện hữu rõ nhất vì chuyện đó sẽ khiến bạn bị đánh lạc hướng bởi các xung động trong não bộ. Người đưa ra các mức độ ưu tiên là bạn, là người đang tập trung toàn bộ tâm sức để đọc bài đăng dài mười kiếp này, là người có thể quan sát con bạch tuộc rõ nhất và có mục tiêu để đánh giá nó. Điều này kéo theo một loạt các thỏa hiệp khác. Một mặt, bạn cố gắng để khai thác mọi sự khôn ngoan mà bạn tích lũy được trong suốt cuộc đời mình để đưa ra những quyết định sáng suốt về những gì bạn tin là quan trọng. Mặt khác, đó là sự thừa nhận và đối diện với chính mình. Thỉnh thoảng bạn sẽ gặp phải những khao khát mạnh mẽ không thể chối bỏ mà bạn không mấy tự hào về nó. Nhưng dù có thế nào, đó cũng vẫn là một phần trong bạn, nếu bạn chối bỏ nó, nó có thể gây ra những hiểm họa khôn lường khiến bạn trở nên vô cùng thảm hại. Sắp lại hệ thống mức độ ưu tiên là sự cho đi và nhận lại giữa những gì thực sự quan trọng và những gì thuộc về bạn. Việc ưu tiên những phẩm chất cao quý của bạn lên đầu đôi khi cũng là một mục đích tốt, nhưng đôi lúc bạn cần để cho những mặt chưa mấy hoàn hảo của mình chút không gian. Người khôn ngoan sẽ biết lúc nào có thể chấp nhận những mặt xấu của bản thân và lúc nào nên chối bỏ nó hoàn toàn.

Để sắp xếp tất cả theo thứ tự nhất định, ta cần một hệ thống hoàn chỉnh. Bạn có thể áp dụng bất kỳ mô hình nào phù hợp với bạn, nhưng tôi thì thích sử dụng mô hình giá sách:

yearning hierarchy 2

Mô hình giá sách này chia mọi khao khát thành năm nhóm. Nhóm động lực bên trong được ưu tiên cao nhất nằm trong cái tô miễn thỏa thuận. Cái tô này là nơi chứa các khao khát rất rất quan trọng mà bạn luôn phải đảm bảo để thỏa mãn chúng, thậm chí phải hi sinh mọi khao khát khác nếu cần. Đây là lí do tại sao rất nhiều huyền thoại trong lịch sử hiểu rõ họ cần phải làm gì để đạt được mục đích. Họ luôn có một cái tô miễn thỏa thuận và rất kiên định trong việc thực hiện những khao khát trong nó, từ đó giúp họ vươn tầm thế giới, bất chấp tất cả những mối quan hệ, sự cân bằng và cả sức khỏe. Cái tô này khá nhỏ, bạn chỉ nên bỏ thật ít vào bên trong nó thôi. Có khi chỉ nên 1 hoặc 2 điều được nằm trong cái tô này. Quá nhiều điều trong cái tô miễn thỏa thuận sẽ làm giảm sức mạnh của nó, có khi sẽ mất luôn tác dụng.

Nhóm những khao khát trong tầng trên cùng hầu hết là những điều sẽ định hướng sự lựa chọn con đường nghề nghiệp của bạn. Những vị trí trên tầng này cũng nên sử dụng tiết kiệm thôi, nó cũng không quá nhiều chỗ đâu. Việc sắp xếp những tầng này ngoài ưu tiên cho những khao khát cần thực hiện, bạn đừng quên phân loại rõ đâu là những khao khát phải loại bỏ. Bạn không nên cứ chọn bừa những khao khát làm mình hạnh phúc để cho vào đây bởi vì sẽ có những khao khát bạn phải chú tâm để loại bỏ. Không cần biết hệ thống mức độ ưu tiên này của bạn trông như thế nào, sẽ có nhiều khao khát khiến bạn không vui vì bị bỏ lại, thậm chí nỗi sợ hãi đối lập đi kèm với chúng sẽ liên tục tấn công bạn cho tới khi bạn quen với nó. Điều này là không thể tránh khỏi.

Đó là lí do tại sao phần lớn các khao khát nên được xếp ở tầng giữa, tầng dưới cùng và có những điều phải quăng vào thùng rác. Tầng giữa là tầng cho những khao khát không mấy có giá trị mà bạn phải chấp nhận. Bạn vẫn cần để ý đến chúng nhưng ở một mức độ nào đó thôi. Đôi lúc chúng sẽ thường xuyên gào thét với bạn đòi bình đẳng, đòi ưu tiên, đôi lúc chính chúng sẽ hủy hoại bạn nếu bạn liên tục phớt lờ chúng.

Hầu hết phần còn lại sẽ bị xếp ở tầng cuối. Đây là chỗ cho những khao khát mà khi nghĩ tới chúng, bạn tự dặn mình: “Mình cũng muốn những điều đó, nhưng ở thời điểm hiện tại thì còn rất thứ khác quan trọng hơn. Khi nào có thời gian và thêm thông tin, mình sẽ lục lại những điều đó nếu có thể sẽ ưu tiên nó lên tầng trên sau.” Bạn có thể nghĩ đơn giản thế này: càng nhiều khao khát bạn có thể thuyết phục bản thân để xếp ở tầng cuối thì bạn càng có cơ hội thỏa mãn những khao khát đang xếp ở tầng trên cùng và trong tô miễn thỏa thuận. Cũng tương tự, càng ít khao khát được bạn đặt lên những tầng đầu thì càng có khả năng bạn thỏa mãn được nó. Thời gian và năng lượng của bạn là có hạn, vì thế hãy dùng thật khôn ngoan. Sai lầm dễ thấy của một người đó là xếp quá nhiều khao khát ở cái tô miễn thỏa thuận và tầng đầu, trong khi lại tiếc rẻ những khao khát không bỏ ở tầng dưới.

Và mỗi người chúng ta luôn có một thùng rác, cho những động lực và nỗi sợ bạn cần phải từ chối thẳng thừng, những phần mà một người thông minh không bao giờ nên dành thời gian cho nó. Bạn sẽ phải đấu tranh tư tưởng rất gay gắt mỗi khi phải đẩy điều gì đó vào thùng rác, và để kiểm soát thùng rác này cần một ý chí kiên định và vững vàng. Cũng nên nhớ, kể cả việc cho vào thùng rác những điều gì thì vẫn cần phải dựa trên suy nghĩ độc lập của bạn, chứ không phải ai đó tiêm nhiễm vào đầu bạn đâu nhé.

Khi trải qua toàn bộ quá trình sắp xếp mức độ ưu tiên hết sức khó khăn này, bạn sẽ phải chống lại những tiếng gào thét đòi bình đẳng của những khao khát bị xếp thấp hơn, hãy luôn nhớ bản thân mình là sinh vật thượng đẳng nhất trong Chiếc Hộp Mong Muốn. Những khao khát và nỗi sợ hãi kia rất thiếu kiên nhẫn và không thể nhìn được toàn bộ bức tranh lớn. Kể cả những khao khát thông thái trên chiếc xúc tu Lý Tưởng cũng chẳng thể hình dung được bức tranh hoàn chỉnh như bạn. Rất nhiều người với lý tưởng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đã bắt đầu từ việc thỏa mãn những động cơ ích kỷ cá nhân như làm giàu chẳng hạn, và đây là điều mà xúc tu Lý Tưởng ghét nhất. Con Bạch tuộc không phải sinh vật trưởng thành thông thái nhất trong chiếc hộp đâu, phải là bạn mới đúng!

Điều cùng cuối để nói ở đây là, những quyết định bạn vừa thực hiện ở trên không phải là vĩnh viễn. Ngược lại, đó chỉ là những nét phác thảo chì nguệch ngoạc trên giấy mà thôi. Đó là những giả thuyết mà bạn có thể kiểm tra và sau đó sửa đổi dựa trên thực tế khi hệ thống mức độ ưu tiên được áp dụng.

Nếu Chiếc Hộp Mong Muốn chứa đựng những khao khát của bạn thì Chiếc Hộp Thực Tế lại bao hàm những gì thuộc tầm với của bạn, trong giới hạn khả năng bạn có thể đạt được.

Trong khi khai mở Chiếc Hộp Mong Muốn, có thể thấy đôi lúc các khao khát không hoàn toàn dựa trên những gì chúng ta thực sự muốn, đôi khi nó chỉ dựa trên những gì ta tưởng rằng ta muốn thôi.

Chiếc Hộp Thực Tế hiện tại thì cũng tương tự vậy thôi. Nó không cho bạn thấy toàn bộ thực tế đang diễn ra, mà lại mô tả những kẽ hở mà bộ não bạn vẽ ra và cho đó là thực tế. Đó là nhận thức của bạn về thực tế, chứ thực tế không hoàn toàn là như vậy.

Mục đích của toàn bộ quá trình nhìn lại, đánh giá, xem xét bản thân này là để mỗi người chúng ta có hai chiếc hộp trung thực và chính xác nhất có thể. Chúng ta cần nhìn nhận những khao khát thực sự của bản thân và cảm thấy mình thực sự làm được những gì mình cho là trong tầm với, không ảo tưởng. Để khám phá Chiếc Hộp Mong Muốn, chúng ta đã tìm thấy những khao khát và nỗi sợ hãi đi kèm chúng. Còn đối với Chiếc Hộp Thực Tế, cái chúng ta thấy là một nhóm những niềm tin khác nhau.

Khi nhắc tới mức độ khả thi trong sự nghiệp, bạn thường đối mặt với hai nhóm niềm tin: niềm tin về thế giới bên ngoài và niềm tin về tiềm năng của bản thân bạn. Để một lĩnh vực nghề nghiệp lọt vào Chiếc Hộp Thực Tế thì tiềm năng của bạn trong lĩnh vực đó phải tương đương hoặc cao hơn độ khó để đạt được thành công trong thị trường ngành. Và con người mà, thường thì ai cũng rất dở trong việc so sánh chính xác hai yếu tố này.

Tôi không rõ bạn nghĩ thế vào về độ khó của con đường sự nghiệp bạn đang đi, nhưng sau nhiều trải nghiệm thì tôi thấy người ta thường hay nghĩ thế này:

Có những nghề nghiệp được coi là nghề truyền thống, chẳng hạn như làm y dược, làm luật hoặc giảng dạy… Đây là những nghề mà đứa trẻ nào được hỏi “Sau này lớn lên con muốn làm nghề gì?” thì cũng có đến 80% câu trả lời sẽ phun ra những nghề ấy. Rất dễ đoán, không có gì lạ, là những nghề không có mấy bấp bênh. Nếu bạn đủ thông minh và chăm chỉ, bạn sẽ thành công và có một cuộc sống ổn định với những nghề này.

Và có những nghề nghiệp ít truyền thống hơn, ví dụ như làm nghệ thuật, kinh doanh, làm cho tổ chức phi lợi nhuận, chính trị, vân vân… Theo những nghề này thì chẳng ai đảm bảo được rằng bạn sẽ thành công hay ổn định với nó. Để thăng hoa trong sự nghiệp bạn sẽ phải hoặc thật giỏi hoặc thắng trong những ván cược lớn, giống như chơi xổ số vậy.

Trên đây sẽ là những giả định hợp lý một cách hoàn hảo, nếu như bạn đang sống vào những năm 1950. Niềm tin của bạn về thế giới ngành nghề và những điều kiện để thành công cũng cần phải khai phá triệt để như những khao khát của bạn vậy. Và tôi ngờ rằng sau khi lột bỏ hết đống mặt nạ ra thì bên dưới những gì bạn tưởng bạn có thực chất chỉ là những thứ trí khôn hạn hẹp mà ai cũng giông giống nhau. Sau khi lột bỏ mặt nạ, có khi bạn lại thấy ẩn dưới những niềm tin có đâu đó bóng dáng của các bậc phụ huynh, bạn bè phe cánh của bạn, hay ông giáo đã dạy bạn trong suốt mấy năm đại học. Sau cùng khi bạn cứ tiếp tục lột những chiếc mặt nạ xuống, bạn sẽ thấy ở mình thứ khả năng tầm thường và bị giới hạn. Những quan niệm chung chung, những ý kiến vô thưởng vô phạt, những thống kê sơ sài không nguồn gốc hay trích dẫn, tất cả bạn đều không hiểu bản chất nhưng vẫn được xã hội coi như những “mặt trời chân lý chói qua tim”.

Ngày nay, thế giới đang trải qua nhiều đổi thay đến chóng mặt qua mỗi thập kỷ, điều này khiến những thứ hạn hẹp mà bạn biết dần dần trở nên lỗi thời. Thế nhưng bản thân chúng ta luôn bị đóng đinh với những gì đã biết từ một thế giới đã cũ, và ta luôn cư xử như những đầu bếp tầm thường mà cứ tưởng mình là bếp trưởng tài hoa.

Những vấn đề này dần mở rộng cách nhìn của mỗi người về tiềm năng của bản thân họ. Khi bạn quá quan trọng tài năng thiên bẩm trong sự nghiệp hay đánh đồng tài năng và kỹ năng, bạn sẽ thấy mình chẳng có mấy cơ hội khi lựa chọn nghề nghiệp. Thường thì tình trạng này hay thấy ở những nghề nghiệp truyền thống đã kể trên vì ta đã quá quen thuộc với quỹ đạo phát triển của chúng. Một sinh viên y dược năm nhất quan sát một bác sỹ phẫu thuật đầy kinh nghiệm tại bệnh viện lớn sẽ rất quyết tâm: “Nếu cố gắng chăm chỉ 20 năm nữa thì mình cũng sẽ đạt đến trình độ như vậy!”. Nhưng một họa sĩ trẻ, một doanh nhân hay một kĩ sư phần mềm mà thấy một bác sỹ lão luyện tay nghề thì sẽ trầm trồ: “Ồ anh ta thật giỏi, không cách nào mình giỏi như anh ta được hết!” và hoàn toàn không hi vọng gì vào khả năng phát triển của mình trong ngành y. Ngoài ra thì còn một góc nhìn khác, đó là những người đã thành công và tiến xa trong những ngành nghề phi truyền thống thì thường đã có nhiều bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của họ, giống như việc trúng xổ số độc đắc vậy. Và khi đã trúng rồi họ sẽ ít muốn mạo hiểm đầu tư vào xổ số thêm một lần nữa.

Trên đây chỉ là một vài quan niệm và góc nhìn mà chúng ta vẫn lầm tưởng về những con đường sự nghiệp lớn lao. Bây giờ thì hãy tìm hiểu xem thực tế đang diễn ra như thế nào nhé:

Bối cảnh ngành nghề

Ban đầu khi nhắc đến vấn đề này, tôi chẳng có tí ý niệm nào cả. Và tôi nghĩ hầu hết chúng ta đều chẳng có. Mọi thứ chỉ đơn giản là thay đổi quá nhanh.

Nhưng đó lại là điểm mấu chốt đấy. Nếu bạn loay hoay để tìm ra được một bức tranh lớn và hợp lý mô tả rõ bối cảnh thị trường ngành nghề ngoài kia, bạn sẽ có lợi thế vô cùng lớn so với những người chỉ sử dụng trí khôn hạn hẹp của họ làm kim chỉ nam.

Đầu tiên, đó là một bối cảnh rất rộng lớn, một tập hợp mọi ngành nghề đang có trong xã hội hiện nay. Bạn biết mô tả công việc hiện tại của tôi đang là gì không? “Tác giả của loạt bài viết 8,000 đến 40,000 từ về đủ thể loại chủ đề khác nhau, minh họa bằng hình vẽ mấy thằng người que lâu lâu lại chửi thề vô tội vạ.” Bạn nghĩ có tầm hiểu biết hạn hẹp nào mò ra được công việc dạng như tôi đang làm không? Thị trường ngành nghề hiện nay bao gồm hàng ngàn lựa chọn, có những công việc đã tồn tại cả 40 năm rồi, cũng có nghề vừa mới ra đời được vài tháng nhờ vào một phát kiến công nghệ mới nào đó. Và cách mà thị trường ngành nghề đang vận hành hiện nay đó là bạn có thể tự tạo ra những lựa chọn cho riêng mình nếu nó chưa hiện hữu ngoài kia (tức là khởi nghiệp đấy). Khá căng thẳng, nhưng cũng đầy phấn khích đấy nhỉ?

Tiếp theo, mỗi ngành nghề lại có một con đường phát triển sự nghiệp cụ thể và con đường đó giống như những ván cờ. Trí khôn giới hạn của mỗi người như một kệ sách với những quyển cẩm nang chỉ dẫn từng phần nhỏ của ván cờ đó, và thường những quyển cẩm nang đó lại chỉ bạn chơi theo những luật chơi đã cũ trong khi trò chơi của người ta đã phát triển thêm vô số những quy tắc, cơ hội hay nút thắt mới rồi. Khi bạn xem xét một con đường sự nghiệp ở thời điểm hiện tại, để hình dung chính xác con đường đó trông như thế nào hay những thử thách và cơ hội trên con đường đó ra sao, bạn cần phải nhìn được cả ván cờ sự nghiệp bạn cần chơi là gì. Nếu không, bạn sẽ giống như đang đánh giá một trận bóng đá dựa trên chiều cao và độ to con của cầu thủ trong khi hiện nay mấu chốt của bóng đá là kỹ thuật của cầu thủ và chiến thuật của cả đội.

Điều này có tạo cho bạn thêm chút hy vọng le lói nào không? Hiện nay có hàng tá những ngành nghề hay ho phù hợp với những thế mạnh sẵn có của bạn, trong khi hàng tá người đang cố gắng tiến xa trên con đường sự nghiệp của họ chỉ với những cuốn cẩm nang chỉ dẫn lỗi thời. Nếu bạn chịu khó cập nhật những quy tắc vận hành mới của trò chơi nghề nghiệp, bạn đã có một lợi thế vô cùng lớn so với họ rồi.

Tiềm năng của bạn

Giờ thì chúng ta sẽ nói đến cụ thể những điểm mạnh đặc biệt của bản thân bạn. Chúng ta thường đánh giá sai điểm mạnh của mình do chọn sai ván cờ, thậm chí kể cả khi chọn đúng ván cờ phù hợp rồi ta cũng chẳng biết một ván cờ thường yêu cầu ở người chơi điều gì.

Khi cần đánh giá cơ hội của mình trên một con đường sự nghiệp nhất định, câu hỏi mấu chốt sẽ là:

Nếu có đủ thời gian cho phép, liệu bạn có phát huy hết tiềm năng của mình để đạt tới cái định nghĩa thành công mà bạn vẫn quy ước cho sự nghiệp không?

Tôi sẽ coi như quãng thời gian để đạt tới mức độ thành công mong muốn của bạn là một hành trình. Khoảng cách bắt đầu từ vị trí hiện tại của bạn — điểm A — và kết thúc bằng việc bạn đạt được mức độ thành công mong muốn, ở đó ta đặt một Ngôi Sao.

kwkkwkw

Chiều dài của hành trình phụ thuộc vào vị trí điểm A (là tình trạng của bạn ở thời điểm hiện tại) và vị trí của Ngôi Sao (tức mức độ thành công mong muốn).

Vì thế nếu bạn là sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành khoa học máy tính và mục tiêu nghề nghiệp của bạn là trở thành kỹ sư tầm trung tại Google, khoảng cách của bạn có thể trông như thế này:

star 2 1

Nhưng nếu bạn thậm chí chưa có bất kỳ kiến thức nền tảng về khoa học máy tính mà mục tiêu nghề nghiệp của bạn lại là trở thành kỹ sư hàng đầu tại Google, bạn sẽ có con đường xa hơn rất nhiều:

star 3 1

Còn nếu mục tiêu của bạn là tạo ra một đế chế mới soán ngôi Google, con đường bạn phải đi sẽ dài thẳng cánh cò bay.

star 4 2

Tại thời điểm này, trí khôn hạn hẹp của chúng ta có thể sẽ trồi lên đâu đó trong bộ não và chỉ ra rằng việc trau dồi tốt ở một kỹ năng nhất định chẳng cam kết đem lại thành công cho bạn. Nhờ những kỹ năng đó bạn vẫn có thể mon men đến gần vị trí của Ngôi Sao trên con đường sự nghiệp nhưng rồi vẫn chưa thỏa mãn và cảm thấy phải làm hơn thế nữa.

Thực ra điều này không đúng mấy, và có vẻ ta đang hiểu sai về định nghĩa Ngôi Sao ở đây. Ngôi Sao không hoàn toàn tượng trưng cho mức độ bạn thành thạo một kỹ năng nào cụ thể nào (chẳng hạn như khả năng code như gió, diễn xuất thần sầu hay kỹ năng lập chiến lược kinh doanh hiệu quả) mà nó là toàn bộ ván cờ chúng ta đang chơi. Trong những ngành nghề truyền thống, luật chơi có xu hướng đơn giản hơn. Nếu bạn muốn trở thành một bác sĩ phẫu thuật hàng đầu, bạn cần có kỹ năng phẫu thuật thật nhuần nhuyễn để đứng ở vị trí Ngôi Sao và làm chủ sự nghiệp của mình. Nhưng những ván cờ nghề nghiệp ít truyền thống thì thường dính líu đến nhiều yếu tố hơn. Nếu Ngôi Sao của bạn được gán nhãn “Trở thành diễn viên nổi tiếng”, việc diễn xuất thần sầu như Morgan Freeman là không ăn thua, bạn phải chơi tốt ván cờ mà hầu hết các ngôi sao điện ảnh đều đã kinh qua kìa. Khả năng diễn xuất chỉ là một nước đi của ván cờ thôi, bạn cần phải có tố chất để trở thành một người nổi tiếng như ngoại hình sáng sân khấu, luôn rạng rỡ và ăn hình trước đám đông, phải đủ khôn ngoan để xây dựng được thương hiệu cá nhân, luôn lạc quan trước scandal, trơ lì trước antifan và dư luận, luôn phải khẩn trương và kiên trì đến mức nực cười v.v… Nếu bạn đủ thành thạo trong ván cờ đó, rành rẽ mọi nước đi của nó thì cơ hội trở thành diễn viên điện ảnh hạng A của bạn là rất cao. Và đạt tới vị trí đó mới là lúc bạn chạm tới Ngôi Sao trong sự nghiệp điện ảnh của mình.

Trí khôn hạn hẹp của ta chẳng thể hiểu luật chơi của những ván cờ ngành nghề phi truyền thống đó. Nó luôn ngây thơ cho rằng thành công = tài năng + chăm chỉ. Khi trí khôn hạn hẹp nhận ra con đường sự nghiệp bạn đang đi là một ván cờ phức tạp với nhiều nước đi rối rắm, nó sẽ giơ tay đầu hàng và trông chờ vào “sự may mắn”. Đối với trí khôn hạn hẹp của chúng ta, việc trở thành một ngôi sao điện ảnh đòi hỏi tài năng diễn xuất như một điều kiện cần, nhưng để có cả điều kiện đủ thì khó như trúng Vietlott vậy.

Vậy thì đâu là cách giúp bạn nhận biết % cơ hội mình có thể chạm tới Ngôi Sao đỉnh cao kia là bao nhiêu? Tất cả đều theo một công thức đơn giản:

Khoảng cách = Tốc độ x Thời gian.

Trong phạm vi của bài này, ta có thể dùng từ ngữ thích hợp hơn là:

Tiến độ = Tốc độ phát triển x Sức bền

Hành trình vượt qua các thách thức nghề nghiệp của bạn như thế nào tùy thuộc vào A) tốc độ nhanh hay chậm khi bạn học hỏi và trải nghiệm trên ván cờ nghề nghiệp đó và B) lượng thời gian bạn sẵn sàng tiếp tục theo đuổi Ngôi Sao. Cùng bàn về cả hai điều này xem nhé:

Tốc độ

Điều gì khiến kẻ thì nhanh người thì chậm trong một ván cờ nghề nghiệp? Tôi cho rằng có ba yếu tố sau đây:

Tố chất bếp trưởng của bạn. Như chúng ta đã chém gió với nhau ở trên, các bếp trưởng quan sát thế giới với góc nhìn mới mẻ và đưa ra các kết luận dựa trên những gì họ quan sát được và trải nghiệm, còn các đầu bếp thì kết luận dựa trên sao chép và làm theo công thức của người khác. Trong câu chuyện nghề nghiệp, các công thức sao chép này thường gắn liền với trí khôn hạn hẹp của mỗi người. Nghề nghiệp luôn là ván cờ phức tạp mà hầu hết mọi người chơi dở ngang nhau ở thời điểm bắt đầu, nhưng rồi những người có tố chất bếp trưởng sẽ phát triển đi lên nhanh chóng thông qua những vòng lặp liên tục…

..trong khi những người đầu bếp thì tiến lên chậm như rùa bò bởi vì chiến lược của họ là chạy theo một công thức cứng nhắc không thay đổi qua năm tháng. Hơn nữa, trong một thế giới mà ván cờ nghề nghiệp không ngừng phát triển và xoay mình, chiến thuật của bếp trưởng luôn cập nhật và bắt kịp xu hướng. Trong khi đó, công thức nấu ăn mà các đầu bếp áp dụng ngày một lỗi thời và đó là vấn đề mà họ mãi vẫn không nhận ra. Đó là lí do tôi tin rằng đối với những nghề nghiệp phi truyền thông thì tố chất bếp trưởng của bạn là yếu tố quyết định trong việc xác định tốc độ phát triển của bạn.

Thái độ làm việc của bạn. Điều này thật hiển nhiên. Một người làm việc 60 giờ một tuần, 50 tuần một năm, sẽ đi con đường nhanh hơn gần bốn lần so với một người làm việc 20 giờ một tuần, 40 tuần một năm. Một người chọn lối sống cân bằng ổn định sẽ di chuyển chậm hơn một người nghiện làm việc hết mình. Một kẻ có xu hướng lười biếng hoặc trì hoãn sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội vào tay những người làm việc nhất quán và chú tâm. Một người thường xuyên gián đoạn công việc chỉ để mơ mộng hay lướt điện thoại sẽ làm được ít hơn nhiều so với một người tập trung cao độ.

Năng khiếu thiên bẩm của bạn. Tài năng cũng khá quan trọng. Những người được sinh ra để làm một công việc nào đó đương nhiên sẽ phát triển nhanh hơn những người phải luyện tập để giỏi. Nhưng trí thông minh và tài năng chỉ là hai trong những yếu tố của năng khiếu. Sự khôn ngoan và hiểu chuyện cũng rất quan trọng, những phẩm chất đó không phải lúc nào cũng tương quan với trí thông minh đơn thuần. Đối với một vài ngành nghề, kỹ năng xã hội cũng rất quan trọng. Với một vài nghề đặc thù, những ai dễ mến và biết cư xử sẽ có lợi thế lớn hơn, cũng như người thích giao tiếp & kết nối sẽ gây dựng được những mối quan hệ bền chặt hơn người lúc nào cũng ru rú một mình.

Các yếu tố khác như những mối quan hệ, tài nguyên hay các kỹ năng quan trọng bạn đang sở hữu ở hiện tại đương nhiên cũng ảnh hưởng, nhưng chúng không phải là thành phần tạo nên tốc độ phát triển, chúng chỉ là tọa độ để xác định vị trí điểm A của bạn mà thôi.

Sức bền

Khi nhắc đến sức bền, tôi muốn đề cập đến khả năng duy trì làm việc lâu dài (chứ không phải thái độ làm việc ngày nào xong ngày đó). Yếu tố sức bền thì đơn giản hơn tốc độ phát triển. Chừng nào bạn còn quyết tâm theo đuổi Ngôi Sao thì con đường bạn phải đi sẽ ngày một ngắn lại. Một chiếc xe chạy với tốc độ 30km/h nhưng chạy được 15 phút đã nghỉ đương nhiên chẳng thể đi xa bằng một chiếc khác chỉ đạt tốc độ 10km/h thôi nhưng chạy bền bỉ suốt hai tiếng.

Đó là lí do tại sao sức bền là rất quan trọng. Nếu một người cho rằng họ chỉ bỏ ra ba năm để tìm cách bước đến đỉnh cao sự nghiệp và nếu không đạt được họ sẽ rẽ sang một hướng dự phòng khác thì cơ bản đỉnh cao đó mãi mãi chỉ là cơn mơ. Chẳng cần biết bạn giỏi giang đến đâu nhưng một khi bạn bỏ cuộc chỉ sau hai, ba năm khó khăn thì bạn sẽ có rất ít cơ hội thành công. Một vài năm là quá ngắn để vượt qua chặng đường dài cần đi nhằm chạm tới Ngôi Sao thành công, bất kể tốc độ phát triển của bạn có nhanh thần sầu đến mức nào.

Điểm mạnh và Điểm yếu của bạn

Sau khi đã nằm lòng phương trình với các biến tốc độ, thời gian và sự bền bỉ, ta cùng ngắm lại khái niệm về điểm mạnh và điểm yếu. Nhiều khi người ta cứ nói liệt kê điểm mạnh điểm yếu ra là sáo rỗng, không phải vậy, chỉ là chúng ta đều nhìn nó với góc nhìn sai lầm thôi. Khi liệt kê các điểm mạnh của bản thân, ta có xu hướng liệt kê các kỹ năng quá nhiều. Thay vào đó, điểm mạnh chỉ nên tập trung khai thác những tố chất trong tốc độ phát triển và sức bền của bạn. Bạn nên đánh giá trung thực nhất những tính cách của bản thân, chẳng hạn nếu bạn nhanh nhẹn và khiêm tốn (đặc điểm một người bếp trưởng) thì đó là điểm mạnh, nhưng cũng có những tính xấu như cứng đầu hoặc lười suy nghĩ (đặc điểm của một đầu bếp đơn thuần) thì lại là điểm yếu dễ thấy. Trong khi làm việc, bạn có khả năng tập trung cao độ để hoàn thành hay là người luôn trì hoãn deadline? Những phẩm chất như ham học hỏi, dễ mến cũng nên được đưa vào. Còn những phẩm chất liên quan đến sức bền thì sao? Khả năng rút kinh nghiệm sau mỗi thất bại, sự quyết tâm và tính kiên nhẫn là những điểm mạnh bạn cần phát huy.

Quan trọng nhất, bạn không nên chỉ liệt kê những điểm mạnh và điểm yếu bản thân ra rồi để đó, mà cần phải xem xét khả năng cải thiện hay phát huy chúng. Nếu bạn chuyền cho Michael Jordan ở tuổi 25 một quả bóng rổ, anh ấy sẽ chơi rất dở. Nhưng nếu nói bóng rổ là “điểm yếu” của anh ấy thì lại không đúng. Thay vào đó, bạn cần xem anh ấy luyện tập trong sáu tuần tiếp theo ra sao và đánh giá dựa trên của sự tiến bộ của anh ấy. Điều này được áp dụng cho một số kỹ năng cụ thể đồng thời hầu hết các yếu tố đánh giá về tốc độ phát triển và sức bền cũng có thể được cải thiện nếu bạn chịu khó.

Xác định Chiếc Hộp Thực Tế

Để nghĩ cho gọn thì Chiếc Hộp Thực Tế sẽ bao gồm tất cả các con đường sự nghiệp mà bạn cho rằng mình có khả năng và có thể dành toàn bộ thời gian cũng như nỗ lực để theo đuổi nhằm chạm tới Ngôi Sao thành công mong đợi. Đây sẽ là một danh sách vô cùng dài, ta chỉ loại đi vài con đường quá xa vời mà dù có chạy vắt chân lên cổ thì cũng mất cả đời bạn mới chạm tới thành công (giống như việc tôi ao ước trở thành một vận động viên Olympic vậy). Tuy vậy thì dành ra một phút nhìn nhận những con đường đó đôi khi cũng có ích, nó giúp chúng ta hình dung được cả cuộc đời mình sẽ có bao nhiêu cánh cửa để ngỏ, từ đó sẽ dẫn tư duy đi đúng hướng (hoặc sẽ khiến ta phát khùng và hoảng loạn luôn).

Giờ thì hãy bắt đầu lắng lo về mục tiêu lọc lựa những con đường sự nghiệp nào nằm trong Chiếc Hộp Thực Tế sẽ rớt vào Bể Lựa Chọn (tức là cái phần chung chạ giữa Chiếc Hộp Mong Muốn và Chiếc Hộp Thực Tế trong sơ đồ Venn đã nói ở trên đấy mà). Trước khi thực hiện công việc khó khăn này, ta phải hoàn thành Chiếc Hộp Thực Tế đã, nhìn chung chúng ta cần đánh giá một số yếu tố sau:

1) Đánh giá bối cảnh chung

Hãy cố gắng mở rộng tầm nhìn của bạn để đánh giá bối cảnh ngành nghề rộng lớn trên thế giới với vô vàn các con đường sự nghiệp đã có (hoặc có thể xây mới).

2) Đánh giá ván cờ cụ thể

Đối với bất kỳ ngành nghề nào nghe có vẻ thú vị, hãy suy nghĩ xem ta có thể tiến xa đến đâu trên ván cờ đó, những người nào đang cùng chơi trên ván cờ này, những người khác đã thắng ván cờ bằng cách nào, những quy tắc mới nhất của luật chơi, và những nút thắt mới được khai mở, v.v…

3) Xác định điểm xuất phát

Với từng con đường, hãy xem vị trí xuất phát của bạn có thể đặt ở đâu dựa trên các kỹ năng, tài nguyên và các mối quan hệ hiện tại bạn có trong lĩnh vực ngành nghề đó.

4) Xác định điểm thành công

Hãy nghĩ về điểm kết thúc và vị trí của Ngôi Sao trên mỗi con đường. Bạn cần tự hỏi mình mức độ thành công tối thiểu bạn cần đạt được là gì để cảm thấy hạnh phúc khi chọn con đường sự nghiệp đó.

5) Đánh giá tốc độ phát triển

Ước lượng tốc độ phát triển của bạn trên từng ván cờ dựa trên các điểm mạnh hiện có và khả năng phát huy nó (nói cách khác là đánh giá khả năng tăng tốc của bạn).

6) Đánh giá sức bền.

Đánh giá lượng thời gian bạn sẵn sàng bỏ ra để theo đuổi con đường sự nghiệp đó.

Giờ thì chỉ cần làm những phép toán đơn giản thôi. Hãy lấy các ván cờ ra, kẻ một đường thẳng tượng trưng cho con đường sự nghiệp đó, vẽ điểm xuất phát cùng những Ngôi Sao thành công để tạo ra một hành trình. Với mỗi hành trình, bạn nhân tốc độ phát triển của bạn với sức bền. Nếu như kết quả của phép toán đó là một con số ngang bằng với chiều dài con đường sự nghiệp đã vẽ thì bạn có thể bỏ nó vào Chiếc Hộp Thực Tế của mình. Tất nhiên là thật khó để xác định giá trị chính xác cho bất kỳ yếu tố nào ở trên nhưng ít nhất bạn phải hình dung và vẽ ra được phương trình cụ thể cho nó.

Việc bắt đầu những bước tiến đầu tiên để xác định Chiếc Hộp Thực Tế có thể khiến một số người đang mơ mộng trên cung trăng rớt trở về mặt đất, nhưng thiết nghĩ việc làm này sẽ giúp họ nhận ra họ có nhiều lựa chọn hơn họ tưởng, từ đó những đường đi nước bước sẽ rõ ràng hơn trước.

Một Chiếc Hộp Thực Tế hoàn hảo sẽ giúp bạn nhìn nhận lại cả những khao khát đang tồn tại trong Chiếc Hộp Mong Muốn. Hình dung một loạt các con đường sự nghiệp trong đầu sẽ ảnh hưởng đến mức độ khao khát của bạn đối với chúng. Một con đường bắt đầu trở nên bớt hấp dẫn sau khi bạn hình dung được rằng mình cần bỏ ra hàng nghìn giờ để xây dựng các mối quan hệ hoặc mất vài thập kỷ lên voi xuống chó trước khi chạm tới thành công. Một con đường khác thì mất hẳn sự hào nhoáng sau khi bạn hiểu được vai trò của yếu tố may mắn khi đi trên con đường đó là rất rất quan trọng. Và cũng có những con đường sự nghiệp khác chưa từng được xét tới vì bạn không coi chúng là những lựa chọn phù hợp nhưng thực ra lại là một cánh cửa ngỏ có thể mở ra và bước vào.

Đến đây thì chúng ta đã xong được hai quá trình đào sâu và tốn vô cùng nhiều năng lượng của não bộ. Giờ thì hãy quay về với sơ đồ Venn nào.

Vậy là mọi thứ đã thay đổi, bạn có một Bể Lựa Chọn mới để xem xét, một danh sách các lựa chọn mới được đặt lên bàn để cân đo đong đếm và có vẻ chúng thỏa mãn cả mức độ ưu tiên cao lẫn khả năng đạt được thành công của bạn. Với những lựa chọn đã dàn ra trước mặt, ta đã có thể ngừng quá trình đánh giá và hướng góc nhìn về tương lai rồi.

Liên kết các điểm nối tới tương lai

Đã đến lúc chúng ta cùng lôi lại tấm Bản Đồ Sự Nghiệp mà tôi bắt bạn phải tạm cất đi ở đầu của bài viết, tấm bản đồ đã ghi sẵn những mũi tên hoặc có dấu hỏi chấm to tướng ấy. Nếu như trên đó đã vẽ sẵn từ trước những mũi tên hướng nghiệp, hãy xem thử lại Bể Lựa Chọn mà bạn vừa mới xây dựng được. Với mọi thứ bạn hiện đã có trong tay sau quá trình dài dằng dặc để khám phá bản thân, tấm Bản Đồ Sự Nghiệp cũ với những mũi tên cũ này còn hợp lý nữa hay không? Nếu vẫn hợp lý, thì chúc mừng nhé, bạn đã trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua đi tìm cái “nghiệp” của mình rồi đấy!

Nhưng nếu không thì sao? Đó là một câu chuyện buồn. Nhưng cuộc sống mà… trong cái rủi lại có cái may! Bạn hãy nhớ, chỉ cần phát hiện ra được những mũi tên đó là sai thôi cũng là một bước tiến rất lớn rồi, dù điều đó khiến bạn hoang mang giữa dòng đời đến mức nào.

roller coaster 2 2

Dấu Hỏi Hoang Mang xuất hiện trên Bản Đồ Sự Nghiệp của bạn đánh dấu cú lao dốc lớn lao trong cuộc đời, cú lao của hai con tàu cao tốc: con tàu thấu hiểu bản thân và con tàu thấu hiểu thế giới. Một cú lao để đời và rất đúng đắn. Cú lao phá tan những mũi tên sai lầm của bạn để đến với đám đông hoang mang dưới đáy vực ở Thung Lũng Khủng Hoảng.

Và giờ đây với Dấu Hỏi Hoang Mang trong tay, bạn phải đi đến một quyết định khó khăn. Bạn cần chọn ra một trong những mũi tên hướng nghiệp có trong Bể Lựa Chọn để đi tiếp.

Đúng là khó khăn thật đấy, nhưng nếu nghĩ sâu hơn một chút thì cũng không đến mức quá khó như vậy đâu. Bạn nghĩ thử xem nhé:

Trước đây nhiều người cho rằng con đường sự nghiệp giống như một đường hầm tối dài 40 năm. Bạn chọn một đường hầm cho mình và một khi bạn đã vào, sẽ chẳng có lối thoát. Bạn làm việc cật lực trong lĩnh vực bạn chọn trong khoảng 40 năm rồi căn hầm khạc bạn ra khỏi họng nó để “tiễn” bạn về hưu.

tunnels 2

Nhưng sự thật không phải vậy đâu, con đường sự nghiệp không vận hành giống như một căn hầm dài 40 năm, chỉ trông có vẻ giống như vậy mà thôi. Nếu có chăng thì những nghề nghiệp truyền thống mà tôi có đề cập ở các phần trước có vẻ sát với căn hầm này nhất nhưng cũng chỉ là trong quá khứ.

Sự nghiệp của chúng ta ngày nay, đặc biệt là những ngành nghề mới xuất hiện, không giống như những căn hầm. Chính tầm hiểu biết hạn hẹp của chúng ta luôn cho rằng chúng giống nhau, khiến việc lựa chọn một con đường đúng đắn ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Khi cứ mãi nghĩ sự nghiệp của mình là một đường hầm không lối thoát, bạn sẽ gặp khủng hoảng lớn nhất là khi bạn còn không chắc chắn mình đang là ai, hay mình muốn trở thành ai sau vài thập kỷ nữa. Điều này dẫn tới suy nghĩ sai lầm rằng những gì ta làm sẽ thể hiện ta là ai, biến nỗi hoang mang của bạn trở thành cuộc khủng hoảng ngày càng lớn.

Khi cứ mãi nghĩ sự nghiệp của mình là một đường hầm không lối thoát, việc đưa ra lựa chọn đúng đắn trở nên khó khăn đến nỗi bạn cứ quẩn quanh trong hàng tá lựa chọn mà không biết phải làm sao. Đặc biệt đối với kiểu người cầu toàn, việc này với họ giống như rơi vào trạng thái hỗn mang.

Khi cứ mãi nghĩ sự nghiệp của mình là một đường hầm không lối thoát, bạn sẽ mất đi dũng khí để thay đổi, dù cả tâm hồn bạn đang cầu xin chuyện đó. Nó biến hành động chuyển ngành chuyển nghề thành một điều gì đó đầy rủi ro mà lại còn đáng xấu hổ, những người chuyển ngành chuyển nghề thành những kẻ thất bại trong sự nghiệp. Nhiều người sẽ cảm thấy họ đã quá già để đổi hướng hay bắt đầu một con đường mới mẻ hoàn toàn.

Tầm hiểu biết hạn hẹp của chúng ta luôn cố thuyết phục ta tin rằng sự nghiệp là đường hầm không lối thoát. Chúng khiến ta khao khát những điều ta không thực sự muốn, chối bỏ những khao khát sâu thẳm trong tâm, khiến ta lo sợ những điều không đáng sợ, tin vào những điều không chính xác về thế giới và tiềm năng của chính bản thân mình.

Bối cảnh ngành nghề hiện nay không phải là chuỗi những đường hầm tăm tối, nó là hệ thống phòng nghiên cứu khoa học siêu rộng, siêu phức tạp và thay đổi nhanh chóng mỗi ngày. Ngày nay công việc bạn làm không thể hiện bạn là ai, bạn chỉ là những nhà khoa học đang cày xới cật lực và cũng thay đổi phương pháp liên tục trong phòng nghiên cứu đó mà thôi. Ngày nay sự nghiệp không phải là một đường hầm, cũng chẳng phải một cái hộp, cũng chẳng có bất cứ nhãn mác nào cho nó cả. Sự nghiệp là một chuỗi những thí nghiệm khoa học kéo dài.

Steve Jobs từng so sánh cuộc đời như việc liên kết những điểm nối, bạn sẽ dễ dàng nhìn lại quá khứ để biết những điểm nối đã liên kết và đưa bạn đến hiện tại như thế nào, nhưng lại rất khó để tiếp tục kết nối đến những điểm khác để tiến tới trong tương lai.

Nếu bạn nhìn vào tiểu sử của các nhân vật mình luôn ngưỡng mộ, bạn sẽ thấy con đường họ đi giống như một chuỗi kết nối các điểm chứ không phải là một đường hầm thẳng và dễ đoán. Nếu nhìn lại chính mình hay bạn bè, có lẽ bạn cũng sẽ thấy xu hướng tương tự. Theo các dữ liệu cho thấy, trung bình một người trẻ chỉ duy trì một vị trí công việc trong khoảng 3 năm (những người lớn hơn thì có thể dành thời gian dài hơn ở mỗi điểm nối, nhưng cũng không dài đến mức 40 năm, tầm 10 năm là cùng thôi).

Như vậy, đánh giá sự nghiệp bằng việc liên kết một chuỗi những điểm được kết nối với nhau không phải là một mánh tôi đưa ra để lừa phỉnh tinh thần để giúp bạn ra quyết định dễ dàng hơn, mà nó thực sự chính là cách sự nghiệp của bạn vận hành. Ngược lại, việc coi sự nghiệp là một đường hầm dài đằng đẵng không những khiến bạn nhụt chí mà thực tế còn sai ác nữa.

Tương tự như vậy, bạn nên tập trung để tiến đến điểm nối kế tiếp của mình (gọi nó là điểm #1), đó là cách duy nhất để bạn tiến lên phía trước. Đừng lo lắng đến những điểm sau đó (điểm #2 trở đi), vì bạn chẳng có dữ kiện gì để suy nghĩ về nó khi điểm #1 còn chưa chạm được.

Trong khi tìm cách nối các điểm, bạn sẽ khám phá nhiều điều về bản thân mà trước nay bạn chưa từng biết. Bạn sẽ thay đổi từ chính con người ở hiện tại, chính Con Bạch Tuộc Khao Khát sẽ phản ánh sự thay đổi này. Bạn sẽ biết nhiều hơn về bối cảnh nghề nghiệp, về ván cờ cụ thể bạn đang chơi và trở thành một đấu thủ mạnh hơn rất nhiều. Và đương nhiên, bối cảnh đó, ván cờ đó, tự nó cũng thay đổi và phát triển.

Việc tiên đoán trước những điểm nối trong tương lai sẽ gặp phải nghe có vẻ nực cười. Những điểm nối #2, #4, #6 là nỗi lo của tương lai, cũng là của bạn nhưng là phiên bản thông thái hơn bây giờ. Vì vậy đừng để ý đến chúng, hãy để ý đến điểm nối #1 của bạn mà thôi.

Nếu chúng ta đóng vai là những nhà khoa học, còn xã hội là một phòng nghiên cứu rộng lớn, thì sơ đồ Venn giữa mong muốn và thực tế của bạn sẽ là một giả thuyết sơ bộ. Điểm nối #1 sẽ là cơ hội để bạn thử nghiệm nó.

Thử nghiệm giả thuyết được sử dụng nhiều trong các mối quan hệ hẹn hò. Nếu một cô bạn lúc nào cũng trăn trở về kiểu người mà cô ta muốn cưới nhưng lại chẳng chịu tìm hiểu ai thì bạn cần tuyên bố với cô ta rằng: “Cô nên đi ra ngoài kia và kiếm gấu đi, ngồi ở nhà thì không lấy nổi chồng đâu, hẹn hò đi rồi mới biết kiểu người nào sẽ hợp với mình”. Chẳng hạn cô bạn đấy có buổi hẹn hò đầu tiên, sau đó về nhà và tiếp tục trăn trở không biết người đầu tiên đó có phải người cô ta muốn lấy chưa, bạn cần chỉnh tiếp: “Một người không ăn thua đâu, hẹn hò thêm vài người nữa đi rồi mới rút kinh nghiệm và quyết định được!!!”.

Bạn có công nhận rằng cô bạn kia thật quá non nớt trong việc tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân mình không? Đừng có giống cô ta trong việc lựa chọn sự nghiệp cho mình nhé. Điểm #1 chỉ là một tình huống mới lạ để trải nghiệm, chỉ đơn thuần là buổi hẹn hò đầu tiên của bạn mà thôi.

Sau khi nghe những điều này, bạn có thấy nhẹ nhàng hơn trong việc lựa chọn mũi tên cho Bản Đồ Sự Nghiệp của mình không? Đó chỉ là mũi tên hướng tới điểm #1 mà thôi. Bạn hoang mang giữa hàng tá sự lựa chọn chỉ bởi vì bạn đang nhìn nó dưới con mắt của hồi xưa, nhìn sự nghiệp như đường hầm dài tăm tối không lối thoát. Nếu nhìn nhận theo hướng mới này, thì hiển nhiên quyết định lựa chọn con đường sự nghiệp hiện tại dù lớn đến đâu thì cũng có vẻ bớt áp lực hơn, đồng thời hấp dẫn và kích thích hơn.

Trên lý thuyết thì là thế. Giờ thì tới phần khó khăn hơn cả đây này!

Tạo bước tiến đầu tiên

Bạn đã tự khám phá, cân đo đong đếm, dự đoán và cân nhắc. Bạn chọn một điểm đến và vẽ một mũi tên. Đến giờ bạn cần phải nhấc tay động chân và tiến lên theo mũi tên đó rồi.

Chúng ta đều là những người dại cả, lại còn hay lo sợ. Chúng ta không ưng gì những thứ trơn trượt nhưng bước đi càng mạnh dạn, vững chãi lại càng dễ trơn trượt hơn cả. Nếu có bất kỳ sự trì hoãn đáng lo ngại nào xuất hiện trong bạn thì chắc hẳn nó sẽ xuất hiện vào lúc này.

Con Bạch Tuộc Khao Khát có thể giúp bạn đấy. Như ta đã đề cập ở đoạn trước, hành vi của bạn dù ở điểm nào thì cũng sẽ phản ánh những xúc tu của Con Bạch Tuộc. Nếu bạn đã quyết định sẽ đi một bước lớn của cuộc đời nhưng chần chừ mãi không bước nổi thì là do phần nào đó trong bạn đang không muốn di chuyển, và điều này được đặt ở tầng cao hơn trong hệ thống mức độ ưu tiên các khao khát. Có thể lý trí của bạn nói rằng bạn phải bước đi thôi, nhưng những khao khát khác thì đang biểu tình. Hãy nhớ, bạn chính là CEO của bản thân, và bạn không được để nhân viên của mình kiểm soát mình.

Để khắc phục điều này, hãy suy nghĩ như một cô trông trẻ. Trong lớp học, có một đám nhóc tì 5 tuổi đang phá phách và không chịu nghe lời bạn. Bạn cần phải làm gì?

Hãy tới nói chuyện với chúng nó, mấy đứa gây chuyện ấy. Chúng khó chịu, bất mãn, nhưng bạn có thể dỗ dành được. Hãy nói với chúng tại sao bạn lại để chúng ở tầng thấp hơn những đứa khác trên hệ thống ưu tiên. Mô tả cho chúng hiểu những gì bạn đã tìm được thông qua Chiếc Hộp Thực Tế. Hãy nhắc cho chúng nhớ những điểm nối cần được liên kết với nhau như thế nào và điểm #1 sẽ là điểm quan trọng ra sao. Cô trông trẻ thì cũng là nhà giáo mà, hãy tự xử đi!

Càng già dần, tôi càng nhận ra việc đấu tranh tư tưởng chiếm đến 97% khó khăn trong cuộc sống. Thế giới này đơn giản lắm, chỉ có bản thân bạn là phức tạp thôi. Nếu bạn thấy mình vẫn còn chần chừ không chịu triển khai kế hoạch, giậm chân tại chỗ, thất hứa với chính mình và để điểm #1 mãi mãi ở phía xa không chịu bước tới, thì hãy cố gắng trở thành một cô trông trẻ mẫu mực. Nếu không cuộc đời bạn sẽ còn bị dắt mũi bởi những đứa trẻ 5 tuổi lì lợm, vắt mũi chưa sạch, và bung bét hết. Tin tôi đi, tôi biết lắm mà!

Nếu trong thâm tâm bạn thực sự cần một bước nhảy sự nghiệp để tiến tới điểm nối mới, tôi mong rằng bằng một cách nào đó, bạn sẽ làm được.

Sau bước tiến đầu tiên

Nhảy tới một điểm nối mới là một cảm giác rất “Yomost!”, nhưng cũng đi kèm những hỗn loạn đáng kể bên trong.

Trong thời gian đầu, bạn sẽ siêu lóng ngóng vụng về với những gì phải làm ở điểm nối mới. Bản thân bạn nghĩ rằng mình hoàn toàn hình dung được vấn đề, nhưng đến khi làm thì lòi cái ngu ra. Mọi nỗi sợ bạn đã cố gắng kéo xuống dưới các tầng thấp giờ sẽ biểu tình dữ dội hơn, xông ra đòi bạn để tâm đến chúng, cưu mang chúng. Những khao khát được bạn ưu tiên hơn thì bắt đầu cảm thấy không hài lòng vì chẳng thấy tiến triển gì rõ rệt, chúng đang băn khoăn không hiểu sự tồn tại của chúng có đúng là những gì bạn muốn hay không. Còn những khao khát bị bạn dìm xuống dưới bắt đầu trồi lên là lá la đòi đất diễn. Tình trạng này thật không hay chút nào.

Ngay cả khi mọi chuyện bạn làm đều suôn sẻ, rồi sẽ có lúc bạn chợt nhớ ra Con Bạch Tuộc Khao Khát là một sinh vật luôn luôn không thỏa mãn. Phần nào đó trong nó sẽ luôn cảm thấy bị bỏ quên, bị xâm phạm, và mỗi ngày trôi qua bạn đều sẽ nghe thấy nó gào lên về chi phí cơ hội cho việc bỏ qua những con đường không được lựa chọn, những lựa chọn mà ở một thế giới song song nào đó bạn đã chọn. Bạn rồi sẽ mãi nghĩ về những giả thuyết chúng đưa ra và lo lắng không biết mình đã bỏ lỡ những gì.

opportunity cost 2

Đến khi bạn suy nghĩ thấu đáo hơn, bạn sẽ học được cách để chấp nhận Con Bạch Tuộc không mấy hạnh phúc của mình. Bạn để mặc cho nó rên rỉ, dễ dàng bỏ ngoài tai những lời mà bạn xác định sẵn là không cần quan tâm tới.

Con Bạch Tuộc khóc lóc, rên rỉ để nhắc nhở bạn rằng một hạnh phúc đơn thuần, tươi sáng không phải là một cái đích nên hướng tới. Khoảnh khắc bạn cảm thấy hạnh phúc chỉ là tạm thời, một ảo giác ma mị sẽ sớm kết thúc, y như kỳ nghỉ trăng mật đầy màu hồng ngay sau khi cưới, tuần đầu tiên đi làm ở chỗ mới hay cảm giác vượt chỉ tiêu KPI sau nhiều tuần bết bát chẳng hạn. Cảm giác đó huy hoàng y như lúc trọng tài thổi còi kết thúc trận chung kết và ta biết Việt Nam vô địch, rất tuyệt vời, phấn khích, bạn sẽ tận hưởng hết mình vì chiến thắng đó, nhưng cảm giác đó sẽ không kéo dài. Bạn có thể vui vẻ hô vang “Việt Nam vô địch!” ngày một, ngày hai, nhưng chẳng thể đi “bão” cả tuần sau đó.

Điều thực sự mỗi người chúng ta nên hướng tới là sự thoả mãn: thứ cảm giác hài lòng với con đường tốt nhất mà mình có thể lựa chọn, rằng những gì bạn đang làm chính là mảnh ghép cuối cùng mà bạn cảm thấy thật tự hào vì đã ghép xong nó. Chỉ có những kẻ ấu trĩ mới theo đuổi cảm giác hạnh phúc nhất thời. Người khôn ngoan hơn sẽ kiếm tìm cảm giác thoả mãn khi họ có những lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, biết được rằng họ có thể đạt được bất kỳ điều gì họ cần.

Người ta cứ nhắc nhan nhản về việc hãy luôn hiện diện và sống ở hiện tại. Thế nhưng luôn tồn tại một trạng thái rộng hơn: cảm nhận rõ sự hiện diện của bản thân trong suốt cuộc đời này. Nếu bạn đã tới được một điểm nối sự nghiệp mà ở đó bạn trung thực với bản thân, cảm thấy mình đang ở đúng chỗ rồi thì hãy ngừng suy nghĩ về kế hoạch sắp tới và bắt đầu thực thi ngay. Rồi sẽ đến lúc bạn cần dừng lại và nhìn tổng quan cả một bức tranh lớn lần nữa, còn bây giờ hãy cứ để bức tranh lớn đó sang một bên, bớt suy nghĩ lại và dồn hết năng lượng vào hiện tại. Đơn giản lúc này bạn chỉ cần cứ sống mà thôi.

Điểm nối tiếp theo?

Ở một vài điểm nào đó, bạn sẽ băn khoăn và hoang mang về bức tranh lớn của mình. Mỗi khi như vậy, bạn cần quay trở lại đánh giá và phân tích, xem điều gì đang khiến bạn băn khoăn như vậy.

Đôi khi, cái đích lớn nhất bạn hướng tới không phải là vấn đề. Chính người bếp trưởng bên trong bạn quyết định để tới cái đích lớn đó bạn cần thực hiện một bước nhảy vọt mạnh dạn, và bước nhảy đó mới là vấn đề hiện hữu. Trong trường hợp này, việc nhảy sang điểm nối tiếp theo thực sự cần tính kiên trì và quyết tâm của bạn. Đây là bước ngoặt lớn để bạn đạt được đích đến của sự nghiệp.

Cũng có đôi khi, bạn cảm thấy nghi ngờ chính đích đến mình đang hướng tới, rằng có khi nào mình nên thay đổi hướng đi hay không. Mỗi khi điều này xảy ra, bạn cần tìm hiểu xem cảm giác đó xuất hiện từ chính cái tôi khôn ngoan của bạn hay thực chất chỉ từ một nỗi khao khát âm ỉ nào đó đang mất kiểm soát do không được ưu tiên. Một điểm nối mới hướng tới một cái đích mới cũng có thể được xem xét, nhưng còn tuỳ xem bạn có thực sự cần nó hay không, hay đó sẽ là một quyết định sai lầm.

Những lúc đó, điều quan trọng là bạn cần đánh giá xem mình là kiểu người nào trong 3 kiểu dưới đây:

inertia spectrum

Kiểu người phía bên trái là kiểu người ngại nhảy. Loại đi giày xi măng. Điểm yếu của họ là luôn chìm đắm quá lâu trong những điều sai lầm. Còn kiểu người bên phải thì luôn khoái nhảy, chân như gắn cánh, và điểm yếu của họ thì ngược lại, rất nhanh bỏ cuộc. (Bạn thực sự không nên sống như kiểu người bên trái. Các nhà tâm lý học cho biết những người như vậy rốt cuộc sẽ hối hận đến cuối đời vì cứ ngồi ì trệ một chỗ. Câu cửa miệng của họ là: “Ước gì tôi từ bỏ sớm hơn!” và lời khuyên mà họ đau đáu để đưa ra cho hậu bối đó là: “Đừng bao giờ chôn chân ở một công việc bạn không thích!”).

Đây là lí do tại sao những mô hình đánh giá nội tại như tôi sắp nhắc tới dưới đây là rất quan trọng. Chúng cho bạn khả năng đánh giá xem mình có đang đưa ra những quyết định bốc đồng hay không. Câu hỏi ở đây là liệu bước nhảy đổi hướng bạn tính tới có phải là một quyết định bốc đồng hay thực sự là một bước phát triển cần thiết? Liệu những băn khoăn của bạn chỉ đơn giản là tiếng rên rỉ của con Bạch Tuộc khó chiều? Sự mệt mỏi vì con đường dài đằng đẵng bạn đang phải đi dù con đường đó vẫn đang đúng đắn? Hay thực sự bạn đã tìm ra những thông tin mới về bản thân và thế giới xung quanh đủ để bác bỏ những giả định ban đầu? Biết đâu có điều gì đó đã thực sự thay đổi, như những vòng lặp xanh hay vàng dưới đây:

venn with loops small

Nếu cảm thấy mọi chuyện đã thực sự đổi thay, bạn nên quyết định phóng to góc nhìn hơn nữa, xem xét những vòng lặp lớn màu đỏ, vòng lặp quyết định việc thay đổi đích đến của bạn:

venn with big loop small

Nếu con đường sự nghiệp giống như việc kết nối nhiều điểm với nhau thì chúng ta cần phải ngày một khôn ngoan hơn khi ra quyết định nhảy từ điểm này sang điểm khác. Hãy bắt đầu từ việc nhìn lại quá khứ của mình. Học từ những quyết định trong quá khứ, với một cái đầu tỉnh táo, nhìn ra những gì cần khắc phục và phát huy, cũng giống như việc các cầu thủ xem lại chính những trận bóng mình từng chơi vậy.

Nhìn lại quá khứ của mình, tôi có thể thấy rất nhiều những bước nhảy và những điều chỉnh trên con đường sự nghiệp từ thời còn đi học. Một vài trong số đó tôi đánh giá là không được khôn ngoan cho lắm. Nhưng cũng nhờ có cái nhìn rõ ràng về những quyết định sai lầm của mình mà tôi rút ra các lối mòn tư duy và những thói quen hành vi tạo nên chúng, từ đó hạn chế để không lặp lại trong tương lai nữa.

Luôn tự nhủ bản thân không hoàn hảo là một bài tập tôi luyện sự khiêm tốn. Cảm giác khiêm tốn này đôi khi làm bạn trở nên tự ti và không mấy vui vẻ, đồng thời việc phải vẽ ra cả một tấm bản đồ sự nghiệp cho bản thân quả thực không dễ dàng, thế nhưng đó lại chính là những khó khăn giúp bạn cảm nhận được cách để chèo đi con thuyền của mình. Tự tin quá mức, thoả mãn quá mức là một cảm giác thú vị, nhưng cũng là cạm bẫy để dẫn tới lạc lối bởi ta tin rằng mình đã hình dung được mọi điều trong cuộc đời.

___________

Trong suốt đời mình, những quyết định của bạn dù đúng dù sai cũng sẽ tạo nên một con đường độc nhất để đi. Tôi sẽ không đề cập tới những nỗi sợ hãi và hối hận mà con người gặp phải khi đi trên đường đời vì thực sự chúng là những thi vị mà ai cũng đều sẽ có.

May mắn là tôi chưa từng trải nghiệm cảm giác nằm trên giường chờ chết, nhưng tôi hiểu rằng hẳn có điều gì đó khiến con người ta dường như bừng tỉnh khi đứng ở ngưỡng cuối cuộc đời. Có vẻ như việc đối mặt với cái chết khiến cho mọi tiếng ầm ĩ trong đầu ta lặng đi, chỉ còn lại tiếng lòng nội tâm đứng đó đối diện với chính bản thân mình. Tôi nghĩ những hối hận nơi cuối đời là suy nghĩ của bản thể thật nhất trong con người, khi họ hồi tưởng lại những phần cuộc đời mà họ chẳng thể sống, những phần nào đó nằm sâu trong tiềm thức mà trước đó bạn chẳng màng tới nó.

Tâm trí tôi có vẻ may mắn đã biết làm điều này từ sớm. Nhìn lại suốt quãng đường mình đã đi qua, những sai lầm khiến tôi đau đáu luôn là những thứ do người khác nhồi nhét vào đầu, khiến cho giọng nói bản ngã thật của tôi yếu ớt, bị che lấp mất. Đích đến của tôi trong tương lai không phải là tránh những sai lầm, mà là dù có sai lầm thì cũng phải thực sự là do những quyết định của mình. Đừng sống với những sai lầm do ảnh hưởng từ người khác!

Đó là lí do vì sao tôi viết ra những dòng phân tích siêu siêu dài và chi tiết trong bài này. Tôi mong rằng đây sẽ là những dòng thực sự đem lại giá trị cho cuộc đời. Những âm thanh ồn ào náo nhiệt xung quanh sẽ không ngừng khuấy động tâm trí bạn, tìm cách điều khiển cuộc đời bạn, nhưng bạn là người chịu trách nhiệm cho chính bản thân mình, cho những sinh vật nhỏ bé đang sống trong bản ngã của bạn. Hãy tìm ra đường đi đúng đắn và những vị trí xứng đáng cho chúng.

Nguồn dịch: https://ereka.vn/post/cam-nang-huong-nghiep-dau-la-nghe-thuc-su-phu-hop-voi-ban-phan-1-527902506116150782

Nguồn: https://waitbutwhy.com/2018/04/picking-career.html

Bạn chỉ cần tải ngay app The Ant Work để có thể xem các tin tuyển dụng lân cận và lựa chọn công việc phù hợp gần nhà ngay trên thiết bị di động của mình.

gioi thieu app the ant work

Tải app The Ant Work để ứng tuyển ngay hoặc xem các tin tuyển dụng lân cận. Tìm kiếm và lựa chọn công việc phù hợp gần nhà ngay trên thiết bị di động của mình.

TẢI NGAY

Bình luận